Cánh đồng lúa dưới chân núi Sam thật vắng vẻ, yên tĩnh với bên phải là những thửa ruộng xanh mơn mởn bên cạnh những thửa ruộng vừa mới gặt trơ lại những gốc rạ. Lúc này ở đây không có cái tất bật của những ngày giáp Tết. Làng quê thật yên bình, không có những dòng xe cộ bất tận chở hàng hóa, thực phẩm; những dòng người chạy ngược xuôi mua sắm tết hay tặng quà cho nhau…
Quay xong phim, chúng tôi trở về lại thành phố là ngày 27 tết. Xuôi con đường từ Châu Đốc về Long Xuyên, những cảnh tượng hai bên đường lại khác hoàn toàn, làm chúng tôi bất ngờ. Năm đó mai nở sớm vàng rực dưới ánh nắng. Và hàng cờ đỏ treo trên cây cột dựng trước mỗi nhà, tạo một cảnh đẹp rực rỡ, gần như choáng ngợp.
Vậy nên, mấy năm gần đây, khoảng gần tết là tôi lại rong ruổi trên con đường từ phố về quê, để nhìn lại hình ảnh mai vàng và hàng cờ đỏ rực rỡ dưới ánh nắng; cảnh bà con tất bật chuẩn bị tết. Cũng để ngắm lại những cánh đồng lúa trong cảnh chiều tà. Cả cái không khí yên bình, chỉ có nắng, gió và mùi khói đốt đồng. Rồi những em bé chạy đuổi nhau, khoe những bộ quần áo mới. Rồi nhớ lại cái rộn rịp của mọi nhà khi chuẩn bị gói bánh tét, mà ngày đó, giỏi lắm tôi cũng chỉ được làm công việc lau lá chuối.
Về An Giang, người bạn là phóng viên quay phim ở Đài Phát thanh Truyền hình cứ nhất định nài nỉ chúng tôi phải đến thăm làng nghề làm bánh phồng nếp. Tôi nhớ lắm mùi thơm nức mũi của loại bánh này, mùi khói từ các lò củi nướng bánh tạo cảm giác thật lạ, hình ảnh người nướng bánh bằng 2 cái kẹp tre, tay thoăn thoắt trở đều để bánh không khét…
Và bẻ miếng bánh giòn tan bỏ vô miệng nhai, vẫn có một chút dẻo dẻo của những hột nếp do quết chưa nhuyễn. Bạn tôi chiếu cho tôi coi những hình ảnh anh đã quay được ở làng nghề làm bánh phồng nếp Phú Mỹ, Phú Tân. Anh thuyết minh với tôi về nghề làm bánh phồng, như một người làm bánh phồng nếp thực thụ.
Mùa giáp Tết, việc làm bánh phồng nếp nhộn nhịp gấp đôi ngày thường. Chị Nguyễn Thị Hài, một người làm bánh phồng nếp hồ hởi kể với chúng tôi, bánh phồng nếp là đặc sản có từ lâu của người dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang và đã được mọi người biết. Nghề làm bánh phồng nếp coi vậy mà cực, phải lựa chọn nếp rặt của Phú Tân để có loại bánh phồng thật chất lượng, ngâm ba ngày ba đêm, đãi cho sạch nước đục.
Đến khuya, người làm bánh thức dậy xôi nếp rồi bỏ vô cối quết, bột nhuyễn đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem nhúng nước đường, đậu, mè, sữa… và phơi lại lần nữa cho khô. Đặc sản miệt vười công phu đến vậy nên làng nghề bánh phồng nếp Phú Mỹ đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Hết quết bánh lại cán bánh, rồi phơi bánh. Tôi cứ hoa cả mắt vì ngắm những vỉ tre phơi bánh phồng đủ cỡ lớn, nhỏ bày la liệt, nhiều khi còn sắp xếp tạo thành những hình ảnh rất đẹp. Bà con giải thích, chỉ được phơi bánh phồng lúc nắng buổi sáng bánh mới ngon, vừa dẻo lại thơm. Chị Hài kể trước đây thợ làm bánh phồng nếp quết bột bằng chày tay, cán bánh cũng bằng tay. Bây giờ, một số cơ sở sản xuất lớn đã trang bị máy quết, máy cán bánh phồng bằng điện, vừa tăng năng suất vừa giảm lao động nặng nhọc, đời sống người dân làng nghề cũng khấm khá hơn.
2. Hoa hồng chinh phục nhiều người, trong đó có tôi. Vì vậy mỗi năm tôi đều tìm mua vài chậu hồng nhung để trồng trong nhà. Người bán hoa kiểng giới thiệu “chị lấy hồng Sa Đéc trồng đi, dễ trồng hơn hồng Đà Lạt, hợp với khí hậu thành phố mình”. Tôi nghe lời, chọn hồng Sa Đéc, cây sống rất lâu, cho hoa quanh năm. Vậy nên tôi có ý định ghé thăm làng hoa Sa Đéc, để ngắm nhìn tận mắt các cây hồng trồng miệt vườn.
Làng hoa Sa Đéc cùng với Cái Mơn, Chợ Lách ở Bến Tre ngày càng thu hút nhiều khách tham quan. Cuối năm âm lịch là mùa hoa xứ này, mọi người có thể cảm nhận không khí tất bật của những chiếc xe tải hay những chiếc ghe lớn đang hối hả chở hoa đi khắp cả nước bằng đường bộ, đường sông. Con đường vô làng hoa cũng đã được làm mới, rộng hơn, khang trang hơn.
Chúng tôi lội nước vô sâu trong các vườn hoa, kiểng lớn phía sau nhà. Cô chủ vườn tên Thúy nói nếu là mùa nước lên tụi em đưa chị đi bằng xuồng trong vườn, hay lắm. Tôi thích thú nhìn anh thanh niên đang đứng trên một chiếc thau nhôm lớn dùng thay xuồng, len lỏi giữa các luống hoa hồng để chăm sóc, tỉa cây. Làng hoa kiểng Sa Đéc đặc biệt có khoảng gần 50 giống hoa hồng nhập khẩu nhiều màu sắc như màu gạch tôm, màu trắng, màu vàng hột gà, hồng nhung đỏ thắm, màu tím sen, màu hồng phấn. Ở đây còn trồng có cả những loài hoa xứ lạnh như đỗ quyên, cát tường… Mỗi năm, về thăm vườn hoa Sa Đéc, tôi lại thấy có thêm những giống hoa mới.
Người làm vườn hào hứng kể: Làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp có nguồn gốc chính là làng hoa Tân Quy Đông, một làng nghề truyền thống hơn trăm năm rồi. Làng nằm ngay bên bờ sông Tiền, tiện lợi cho việc lấy nước tưới hoa, chuyên chở hoa kiểng đi các nơi. Sa Đéc là xứ sở của các loài hoa kiểng. Nghề trồng hoa, kiểng cực khổ cả năm, chỉ trông cậy vào các ngày lễ, đặc biệt là tết. Nhưng chỉ một cơn mưa trái mùa, một cơn gió lớn là tiêu tan cả vườn hoa; có người mất cả sản nghiệp.
Chúng tôi đi dài từ Cao Lãnh lên Sa Đéc, và có lẽ cả vùng này bà con đều dành đất để trồng hoa, kiểng. Nhìn các luống cúc, cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, vạn thọ, mười giờ, hoa dừa, đại phú, xác pháo... thẳng tắp trên các giàn cao, phía dưới là nước lấp xấp được dẫn từ các con rạch chảy vô tạo nên một cảnh tượng vô cùng kỳ thú, đặc biệt với những người làm phim chúng tôi có thể ghi nhận nét độc đáo, thi vị một vùng quê tràn ngập hoa cảnh.
3. Chặng cuối của hành trình, chúng tôi đến Cái Bè, Tiền Giang để thăm các làng nghề làm bánh cốm, bánh tráng dừa, kẹo dừa - những loại đặc sản dân dã vùng này. Năm ngoái tôi đã về đây, nhưng giờ là mùa tết, không khí sản xuất sôi động hơn nhiều. Chúng tôi ghé thăm chỗ làm cốm. Nguyên liệu làm cốm - nếu là cốm gạo - phải chọn loại lúa và hạt đều, không quá dẻo hay quá khô cốm mới ngon, hạt cốm nhỏ, đều và đẹp.
Mỗi lò cốm có một bí quyết chế biến khác nhau, làm nên những thương hiệu có tiếng mà du khách đến Tiền Giang và miền Tây đều ưa thích. Người thanh niên đang rang lúa, nhìn anh quay phim rồi hỏi: Quay phim hả, vậy để tôi làm lại một mẻ nữa để quay nhe. Vậy là anh chịu khó rang một chảo khác.
Anh bỏ mớ lúa vô chảo, trong đó có cát, nóng phải tới cả trăm OC. Chừng 3-4 phút, các hạt lúa chín, nổ bung ra khỏi vỏ, thành bỏng trắng. Rồi anh thanh niên đổ bỏng này vô sàng, sàng tách vỏ trấu lấy hạt bỏng… Kế bên là chỗ thắng đường. Đường với mạch nha được nấu lên chảy ra. Cô hướng dẫn giải thích, cứ 2kg đường, 1kg mạch nha thì trộn với 5kg bỏng, khuấy đều trên chảo nóng. Rồi cho thêm hương sầu riêng, vani, cam để tạo hương vị riêng của cốm.
Chúng tôi đến chỗ làm bánh tráng dừa, kẹo dừa, tới đâu cũng được mời thử các món đặc sản dân dã. Nhưng thú vị nhất vẫn là không khí lao động náo nhiệt và lượng khách du lịch đông đảo tham quan. Những chủ làng nghề này đã tổ chức thật tốt một quy trình từ sản xuất đến bán sản phẩm, phục vụ khách du lịch; vừa tạo công ăn việc làm và tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ có thực phẩm, nơi đây còn bán những bộ áo bà ba, khăn rằn, những món hàng mỹ nghệ làm bằng gáo dừa. Giá cả các món hàng giống nhau, cả khuyến mãi cũng giống nhau; không có việc bắt chẹt khách du lịch. Tôi mới hiểu vì sao, khách đến thăm, kể cả khách nước ngoài đều muốn đi về miệt vườn, thăm thú Cái Bè, Sa Đéc, Châu Đốc…
Từ giã các làng nghề, anh quay phim nói rằng anh quay chưa “đã”. Tôi nghĩ vẩn vơ: chúng tôi đang về quê coi bà con mình chuẩn bị tết, họ chuẩn bị tết cho cả cộng đồng và rõ ràng điều đó làm nông dân miệt vườn rất vui. Mọi người hầu như cùng hòa nhập, chuẩn bị tết, đón tết.