Được tái lập cách đây 20 năm, do thiếu quỹ đất, huyện Nam Trà My chủ yếu phải xẻ núi, bạt đồi tại khu vực xã Trà Mai để có mặt bằng xây dựng. Qua thời gian, chân đồi bị yếu, có hiện tượng tụ nước làm tăng nguy cơ sạt lở vào mùa mưa.
Trước đó, năm 2020, phía sau trụ sở Thi hành án huyện Nam Trà My đã bị sạt lở, đất đá từ trên đỉnh đồi tràn đến tận phòng làm việc.
Khoảng 1 năm trở lại đây, sạt lở đã đe dọa một dãy các trụ sở làm việc (gần 1 km) khi xuất hiện vết nứt dọc chân đồi. Nguy cơ sạt lở khiến nhiều cán bộ (đa số là người dưới xuôi lên làm việc) không an tâm, khi phải làm việc và ở lại các khu tập thể ngay dưới chân núi.
Ông T.V.M. (công chức huyện Nam Trà My) cho biết, sau đợt sạt lở lớn trên toàn huyện vào năm 2020, cán bộ, viên chức làm việc trong tâm thế bất an, lo lắng, nhất là vào mùa mưa bão, do đa số phải ở lại khu tập thể nằm dưới các vết nứt dọc triền đồi. "Rất mong các cấp đầu tư kè chống sạt lở để chúng tôi an tâm làm việc", ông M. tha thiết.
Nhiều vết nứt xuất hiện ngay sau trụ sở các cơ quan của huyện Nam Trà My. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Không chỉ khu vực hành chính, nơi này còn tập trung đông dân cư của xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.
Bà Lưu Thị Nghĩa (trú xã Trà Mai) chia sẻ: "Hiện tại gia đình tôi sống trong khu dân cư, là khu an toàn của huyện, nhưng phía sau có cái đồi vẫn còn cao. Mùa mưa, tất cả bà con ở đây đều lo lắng. Mỗi khi có mưa lớn, cả nhà chúng tôi không dám ngủ ở nhà sau vì sát triền đồi, cả nhà phải ngủ ở phòng khách".
Một bờ kè của trụ sở làm việc tại trung tâm hành chính huyện Nam Trà My vừa được xây dựng đã có đất đá tràn xuống sau đợt mưa lớn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Trước nguy cơ sạt lở, chính quyền huyện Nam Trà My cũng tính đến phương án di dời trung tâm hành chính. Tuy nhiên, đối với một huyện miền núi, rất khó tìm quỹ đất để xây dựng, hơn nữa, việc xây mới hàng chục trụ sở làm việc sẽ gây lãng phí.
Chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, phía sau lưng khu trung tâm hành chính có quả đồi rất cao do trước kia phải bạt núi tạo quỹ đất xây dựng trung tâm này. Những năm gần đây cũng có chỗ này chỗ kia sạt lở nhỏ mỗi mùa mưa đến, do đó nguy cơ sạt rất là cao. Chưa kể mưa lâu sẽ thấm, đất nhão đi kèm với núi bị mất chân gây nền địa chất yếu, tăng nguy cơ sạt lở. Do đó, huyện có kế hoạch xây dựng bờ kè để cán bộ, viên chức yên tâm làm việc.
Mái taluy nằm sát các dãy nhà làm việc và khu ngủ tập thể của cán bộ, viên chức huyện Nam Trà My. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
“Theo chúng tôi tính toán, việc kè chống sạt lở kèm hạ thấp độ cao quả đồi để có quỹ đất làm khu tái định cư cần trên 350 tỷ đồng thì phải cần sự hỗ trợ của bộ, ngành, Trung ương và của tỉnh. Trước mắt, mong tỉnh hỗ trợ làm một bờ kè khoảng 70 tỷ đồng để bảo vệ được khu trung tâm hành chính", Chủ tịch huyện Nam Trà My thông tin.