Tại bờ biển thuộc khu phố B và C, phường Thanh Hải (TP Phan Thiết), dù người dân đã dùng mọi biện pháp để níu giữ những ngôi nhà của mình nhưng đành bất lực trước những cơn sóng dữ ngoài biển liên tiếp đập vào. Tại đây, một số căn nhà, nơi nương náu của những người dân nghèo đã bị sóng biển lấy đi; hàng chục căn nhà khác chực chờ bị biển nuốt.
Bỗng chốc phải lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, bà Đặng Thị Thanh Vân (ngụ khu phố C, phường Thanh Hải) nghẹn ngào nói: “Buổi sáng cách đây vài tháng, gia đình tôi đang ngủ thì sóng biển lớn ùa vào nhà, ngôi nhà rung lên, tôi chỉ kịp gọi mọi người chạy ra trước khi ngôi nhà bị sập. Những vật dụng trong nhà như bàn, tủ, giường,… đều bị sóng biển lấy mất, giờ tôi chỉ biết dựng chòi tạm để tá túc qua ngày”.
Sóng biển đánh sập gian nhà bếp cùng sân nhà, gia đình chị Trịnh Thị Hải (ngụ khu phố B, phường Thanh Hải) phải dùng những bao cát, đóng cọc gỗ để tìm cách giữ phần ngôi nhà còn lại. “Trước đây biển cách nhà tôi vài chục mét, vậy mà giờ nước biển đã gần lên tới nhà. Nếu không làm kè biển sớm thì phần căn nhà còn lại của gia đình cũng sẽ sớm trôi mất. Giờ đêm nào nghe có sóng lớn là cả nhà không ai ngủ được”, chị Hải chia sẻ.
HĐND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình kè bảo vệ bờ biển phường Thanh Hải, dài hơn 1km và đã được triển khai từ giữa năm 2021. Tuy nhiên, công trình đang thi công chậm, trong khi nhiều khu vực đang ngày bị sạt lở nghiêm trọng.
Còn tại phường Mũi Né (TP Phan Thiết), tình trạng biển xâm thực gây sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại các khu phố 10, 11 và 12, ảnh hưởng khoảng 30 căn nhà với hơn 129 khẩu. Chiều dài bờ biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở kéo dài khoảng gần 1km.
Bà Nguyễn Thị Lại (khu phố 10) nhớ lại, căn nhà của gia đình liên tục bị sóng biển tràn vào nhà, có thời điểm cả nhà phải đi lánh nạn ở nơi khác. Sau khi xảy ra sự việc, UBND phường Mũi Né đã huy động nhiều lực lượng, dùng 1.500 bao cát để đắp cát chắn sóng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài phường kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp xây dựng kè chắn sóng, chống sạt lở bờ biển.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, tình trạng sạt lở bờ biển đã diễn ra nhiều năm nay ở địa phương, do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh và phức tạp, dẫn đến diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Đến thời điểm hiện tại, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 23km, xảy ra ở hầu hết các huyện, thị ven biển.
Để ứng phó khắc phục xâm thực, gây sạt lở bờ biển, từ năm 1997 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng được hàng chục kilômét kè biển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với thực tế đang diễn ra. Do vậy, tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để xây dựng kè kiên cố, nâng cấp, sửa chữa kè một số khu vực xung yếu.