“Bà đỡ” những sản phẩm mẫu
Là một địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), SHTP-IC không chỉ tạo điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị mà còn hỗ trợ tư vấn toàn diện chuyên sâu cho các nhóm khởi nghiệp về mọi mặt kỹ thuật, kinh doanh, pháp lý và nhất là sở hữu trí tuệ. Tất cả dự án khi tham gia vườn ươm đều được tư vấn xác lập, đăng ký sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi (hiện có 14 dự án đang ươm tạo đăng ký sở hữu trí tuệ).
Sau khi các dự án đã có sản phẩm hoàn thiện, SHTP-IC hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh và marketing. Đồng thời, các startup cũng sẽ được hỗ trợ kết nối, kêu gọi vốn đầu tư mở rộng kinh doanh. Đã có hàng chục sản phẩm công nghệ đang được ươm tạo và đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm, như: Công ty TNHH Saigon Nanomat thương mại hóa vật liệu bột nano oxýt kim loại và ceramic bằng thiết bị nghiền siêu mịn tự chế tạo; Công ty TNHH Công nghệ Giao Thoa giới thiệu cho thị trường hệ thống Atovi Smart Lock; Công ty TNHH MTV Fman thương mại hóa thành công sản phẩm hệ thống thiết bị đo giám sát môi trường nông nghiệp - ngư nghiệp Aevisor… Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP-IC, cho biết: “Khi các dự án đến với chúng tôi thì thường mới chỉ có sản phẩm mẫu, chưa đủ điều kiện ra được thị trường. Chúng tôi có chuyên gia hỗ trợ các nhóm xây dựng mô hình kinh doanh, đánh giá phân khúc thị trường, hoàn thiện sản phẩm và cùng tổ chức các sự kiện kết nối với thị trường”.
Trong các startup ươm tạo thành công ở SHTP-IC có startup Vexere. Đây là giải pháp hỗ trợ khách hàng đặt vé, kiểm tra tình trạng vé xe trên trang chủ Vexere.com hoặc ứng dụng Vexere trên các thiết bị di động. Vexere đã kết nối với hơn 2.000 nhà xe và bến xe trên cả nước.
Chương trình cho lĩnh vực năng lượng thông minh
Luôn luôn làm mới và nắm bắt sự phát triển của xã hội, mới đây SHTP-IC phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận New Energy Nexus Đông Nam Á khởi động chương trình New Energy Nexus Việt Nam. Đây là chương trình đi tìm những sản phẩm, giải pháp dành cho các công ty và dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng thông minh, cũng như xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Chương trình New Energy Nexus Việt Nam được triển khai thông qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu (từ tháng 4 đến tháng 6-2019), tập trung xây dựng cộng đồng, kêu gọi sự quan tâm và chia sẻ thông tin về lĩnh vực năng lượng cho cộng đồng startup và các nhóm dự án quan tâm đến khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Giai đoạn 2 (tháng 6-2019) sẽ tổ chức chương trình Hackathon về chủ đề năng lượng thông minh. Đây là sự kiện nhằm tập trung vào phát triển sản phẩm thông qua các mô hình giả (mock-up). Hiện chương trình đang ở giai đoạn đầu tiên, SHTP-IC đóng vai trò xây dựng cộng đồng startup trong lĩnh vực năng lượng thông minh.
Theo ông Lê Thành Nguyên, với đặc trưng vườn ươm dành cho các startup công nghệ cao, SHTP-IC tập trung hỗ trợ ươm tạo các dự án thuộc 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin - viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học và vật liệu mới - công nghệ nano, với thời gian ươm tạo cho mỗi dự án có thể lên tới 3 năm. “Tuy ở giai đoạn đầu của chương trình nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho việc kết nối các chuyên gia, cố vấn, các doanh nghiệp với các nhóm dự án khởi nghiệp quan tâm đến lĩnh vực năng lượng và công nghệ sạch, từ đó có thể tìm kiếm, hỗ trợ và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Lê Thành Nguyên khẳng định.
SHTP-IC đã ươm tạo thành công cho hơn 30 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có 8 doanh nghiệp đã được công nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Vườn ươm đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình Innovation Center, tức sẽ hoạt động rộng mở hơn trong nhiều lĩnh vực, hướng đến không gian sáng tạo nhiều hơn nữa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai phương án tự chủ của vườn ươm. |