“Trường Sa, có gì ở ngoài đó, cán bộ chiến sĩ sống ra sao, họ thiếu thốn những gì…?”. Trong những ngày lênh đênh cùng đoàn công tác TPHCM ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa (ngày 4-4 đến 12-4), với những ai lần đầu ra đảo, câu hỏi đó luôn thường trực. Nhưng khi những điểm đảo hiện lên đầy tự hào, mới thấy Trường Sa - tuy xa lại rất gần, rất đỗi thân thương.
Gửi con ra đảo
- Chú cứ yên tâm, em nó ngày càng vững, ở đây chúng cháu sẽ rèn luyện được.
- Thằng Hậu còn gì chưa được, chưa ngay ngắn, các chú cứ rèn để khắc phục, tui nhờ các chú…
Câu chuyện giữa ông Lê Văn Bẻn và trung úy Trần Xuân Thức trên đảo Song Tử Tây cứ thế tiếp diễn. Còn chàng lính đen nhẻm Lê Phúc Hậu cứ lặng lẽ nhìn cha mình và thủ trưởng trực tiếp là trung úy Trần Xuân Thức tâm sự. Ra đảo được 1 năm, theo lời ông Bẻn, cậu con trai vốn chậm chạp của ông đã thay đổi hẳn: “Tôi nhìn thấy nó khôn lớn ra, rắn rỏi, khỏe mạnh và đặc biệt là đôi mắt rất sáng. Nó có niềm tin vào cuộc sống, vào nhiệm vụ mà đôi vai trẻ tuổi đang gánh vác”.
Trên tàu KN-290 ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa có 2 ông bố và 1 bà mẹ chiến sĩ Trường Sa, đều ở TPHCM. Từ trên tàu, trước khi cập vào điểm đảo mà con trai mình đang làm nhiệm vụ, các vị phụ huynh ai cũng bồn chồn, tay xách nách mang quà từ đất liền tiếp tế cho con trai và đồng đội ở đảo. Lủ khủ với cái thùng giấy to vật vã, chằng buộc nylon chắc chắn vì sợ thấm nước, ông Võ Văn Nhuyễn (cha chiến sĩ Võ Văn Kiệt, công tác tại đảo Trường Sa Lớn) liên tục nhận được câu hỏi của những người trên tàu: “Sắp gặp con trai, hạnh phúc quá!”, “Đem quà gì mà nhiều vậy ông?”. “Có gì đâu, có trà, bánh trái, mấy thứ lặt vặt mà thằng nhỏ hay dùng ở nhà. Trà bánh tặng mấy anh trên đảo đêm gác có cái nhâm nhi cho ấm lòng…”, ông Nhuyễn trả lời.
Khi tàu cập bến, ai cũng bước qua một bên, để “ông bố chiến sĩ” được nhìn thấy mặt con. Võ Văn Kiệt, con trai ông Nhuyễn, viết đơn tình nguyện ra đảo từ hơn 1 năm trước. Anh chàng luôn cười, trả lời rõ ràng từng câu hỏi của cha và những người thăm đảo. “Em luôn sẵn sàng ra đảo, và giờ ở đảo, còn gì vinh dự bằng”, Kiệt cho biết. Trước khi nhập ngũ, Kiệt có công việc ngành công nghệ thông tin, nhưng em gác lại để tình nguyện nhập ngũ và ra đảo.
“Cho con ra nơi đầu sóng ngọn gió, tôi chẳng lo lắng gì. Nơi đây có đồng đội, có cán bộ, nó sẽ trưởng thành hơn và sẽ giúp ích nhiều hơn cho cuộc sống sau này. Tôi tin vào sự lựa chọn của con mình và đồng đội nó!”, ông Nhuyễn tâm sự.
Là bà mẹ chiến sĩ duy nhất trên tàu, bà Đỗ Thị Tường Minh tiếng nói, tiếng cười luôn đi trước. Thăm con trai là Đào Minh Hiếu ở đảo Nam Yết, bà Minh không khóc, mà chỉ cười, nói chuyện với con trai trong hơn 3 giờ đoàn ghé thăm đảo. Gặp mẹ không nhiều thời gian, nhưng trước khi chia tay, cậu con trai còn kịp chạy về phòng, đem một túi quà ra tặng lại mẹ. Mở ra là một bịch mứt dừa mà em khi còn ở đất liền chưa từng một lần vào bếp, tự tay làm... Trên cầu cảng, cậu con trai quay vội vào trong để không khóc trước mặt mẹ. Còn bịch mứt, bà Minh đem mời cả tàu để chia vui với niềm vui của bà mẹ chiến sĩ.
Phần kiến nghị bị bỏ trống
Đến thăm đảo, báo cáo với đoàn công tác, đại diện các đảo và điểm đảo đều có một phần ngắn gọn về tình hình trên đảo. Nhưng sau phần báo cáo của Trung tá Nguyễn Tấn Thọ, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, cả đoàn công tác đều thấy lạ.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, trưởng đoàn công tác, giọng run run: “Tôi không thấy các đồng chí kiến nghị gì cả, phần kiến nghị hoàn toàn bỏ trống. Trong khi mới nãy thôi, cùng với đoàn thăm đảo, tôi thấy anh em ở đây còn thiếu thốn lắm. Nhìn vào 2 bể chứa nước ngọt thì gần cạn. Nước còn lại không trong, đục ngầu. Tôi hỏi đây là nước tưới cây phải không thì anh em trả lời: Dạ không, đây là nước tắm. Gian khổ là thế nhưng khi hỏi có kiến nghị gì không, thì lại nói không, báo cáo cũng không ghi kiến nghị mà chỉ có những lời khẳng định là luôn tin tưởng vào sự giáo dục của Đảng, của Nhà nước và quân đội… Mỗi lần tới, chúng tôi lại được học một bài học lớn từ các đồng chí. Quá cảm động”.
Không chỉ có Nam Yết, mà trên các đảo, điểm đảo mà đoàn công tác TPHCM đã tới, những phần kiến nghị hầu như đều để trống. Các anh ít nói về mình, về thành tích mà chỉ nói về những nhiệm vụ đang thực hiện ở nơi xa xôi ấy. Ở đảo chìm Đá Đông C, bể chứa nước ngọt cũng gần cạn, bám rong rêu. Nước ngọt ở đây hoàn toàn là nước mưa, qua 1-2 bể lọc là sử dụng. Một người 35 lít nước/tuần, tuần tắm 2 lần, chủ yếu là tráng qua sau khi tắm nước biển. Nước tráng lần 2 thì tưới cây. Nhờ thế, cây xanh vẫn lên mơn mởn và được che chắn công phu tránh xâm nhập của sóng gió.
Ghé thăm qua phòng của đồng chí chính trị viên trên đảo, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nói: “Thấy thương quá!”. Căn phòng nhỏ xíu xiu, ngay tầm gió, giường cũ kêu cọt kẹt, bàn ghế cũng lung lay. “Sao họ không kiến nghị hỗ trợ nhiều hơn?”, đồng chí Bích Châu đặt câu hỏi với các thành viên của Ủy ban MTTQVN TPHCM. Im lặng một lúc, đồng chí Tô Thị Bích Châu quả quyết: “Nhất định sẽ khảo sát kỹ và hỗ trợ thêm, nơi đây còn quá thiếu thốn. TPHCM sẽ quay lại điểm đảo này!”.
Từ Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Đông đến Tốc Tan, Phan Vinh, Trường Sa Lớn…, khó khăn đều đong đếm được. Nhưng hãy nhìn những vườn rau xanh um, những công trình vững chắc; hãy nhìn sự quyết tâm, đồng lòng của quân và dân trên các đảo, điểm đảo để thấy rằng, tất cả đều một lòng bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam. Và những phần kiến nghị bị bỏ trống, luôn là điều thôi thúc hậu phương - đất liền luôn hướng về tiền tiêu hải đảo.