Xin khép lại vệt bài bằng những ghi nhận tình cảm xúc động của đội ngũ nơi tuyến đầu và câu chuyện chung tay chống dịch của người ở hậu phương. Một niềm tin được tiếp sức và lan tỏa: Mỗi người dân TPHCM hãy vững tâm để chiến thắng trong “cuộc chiến” này.
Niềm tin người ở tuyến đầu
Chúng tôi đến khi không khí tại Bệnh viện (BV) điều trị Covid-19 Cần Giờ đang gấp rút, hối hả. Vừa chuyển đổi từ BV huyện thành BV chuyên điều trị Covid-19, 10 phòng cách ly áp lực âm đang được lắp đặt trước, trong tổng số 20 phòng. Lẫn với cái nắng gió của xứ biển, tiếng máy khoan cắt hoạt động liên tục để kịp tiến độ, bởi hiện tại ở BV này đã tiếp nhận và đang điều trị các ca dương tính virus SARS-CoV-2 của TPHCM.
Chỉ vài phút ngắn ngủi chúng tôi ngồi lại cùng các anh nơi tuyến đầu này tại phòng họp, trước màn hình camera theo dõi bệnh nhân và khu vực cách ly y tế tập trung, chứng kiến các anh không hề lơ là. Câu chuyện chống lây nhiễm cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu thoáng chút trăn trở, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, phụ trách chuyên môn tại BV điều trị Covid-19 Cần Giờ, chia sẻ: “Nói không lo thì cũng không đúng, lo thì vẫn phải lo, nhưng mà mình phải chủ động, xem trường hợp dương tính đó từ đâu, để rút kinh nghiệm cho bản thân và cả ê kíp. Trong mọi việc theo dõi, thăm khám hay điều trị hàng ngày, mình phải cẩn thận từng chút một, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống nhiễm khuẩn luôn luôn đề cao”. Vài câu trao đổi ngắn, các anh vội vã trở lại với nhiệm vụ chuyên môn.
“6 giờ chiều hôm qua 19 tháng 3, tôi vừa chạy về đến nhà cùng lúc 1 chiếc xe cứu thương cũng chạy vào trong khuôn viên căn hộ M-One. Linh tính báo có điều không hay, hỏi thăm em hàng xóm thì biết được có 1 ca dương tính virus SARS-CoV-2 từ Mỹ về khuya ngày 17, về đến sân bay Tân Sơn Nhất và làm khai báo y tế. Đến ngày 19 có kết quả dương tính virus SARS-CoV-2 nên Trung tâm Y tế quận 7 đã đến đón em nhập viện. Nửa giờ sau, công an đến và trong vòng 1 giờ có lệnh chính thức phong tỏa. Ngày thứ 2 cách ly y tế đã nhận được 1 thùng mì gói chua cay và 10 hộp sữa tươi của đội phục vụ kèm theo nụ cười rất tỏa nắng của các em cùng lời động viên: “Mọi chuyện rồi sẽ qua, chúc anh chị khỏe mạnh và vui vẻ”. Thật ấm lòng biết bao giữa những lúc như vậy. Cảm ơn các em, cảm ơn những người đang ngày đêm âm thầm hy sinh... Hai tiếng “cách ly” nghe thật đáng sợ nhưng lại chính là khoảng thời gian để ta có thể tạm buông bỏ mọi thứ, sống chậm lại. Quan trọng là hãy giữ tinh thần thật lạc quan, vui vẻ rồi mọi việc sẽ qua”. Trích nhật ký cách ly của chị Lê Ánh Tuyết, căn hộ T1B 1707, chung cư M-One, phường Tân Kiểng, quận 7 |
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 7 Bùi Thị Ngọc Hiếu, ngay sau khi phát hiện ca dương tính virus SARS-CoV-2 tại tầng 8 lô A chung cư Park View, toàn bộ 14 tầng được xịt khử khuẩn. Có 30 nhân viên y tế đến từng căn hộ lập danh sách để truyền thông và hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn từng căn hộ. Sau đó, tiến hành lấy các mẫu xét nghiệm ở tầng 8. Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TPHCM, những trường hợp này là âm tính, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi, cách ly y tế tại nhà. Lực lượng chức năng đã làm việc tới đêm khuya để xác minh lập danh sách những người tiếp xúc với ca bệnh. Trên địa bàn quận 7, chung cư M-One (phường Tân Kiểng) sau khi phát hiện ca dương tính virus SARS-CoV-2 thứ 89, cũng thực hiện phương án xử lý nhanh chóng như vậy.
Tại sảnh ra vào chung cư Park View, khi có người đến, ông Nguyễn Văn Mít (61 tuổi, bảo vệ dân phố) và 2 người trong tổ trực đều hỏi thông tin kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Những ngày này, tổ dân phố, công an phường Tân Phong luôn chia ca túc trực 24/24 giờ. Nhiều người dân mà chúng tôi tiếp xúc tại đây đều bày tỏ sự an tâm và cảm kích trước tấm lòng và trách nhiệm của những người chống dịch nơi tuyến đầu.
Hậu phương chung tay
Không chỉ gấp rút ở những tuyến đầu, các đơn vị hành chính nhỏ nhất ở địa phương cũng hoạt động hết công suất nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh dịch ra cộng đồng. Tất cả địa bàn quận huyện, phường xã trong thành phố đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra y tế tại địa phương. Lãnh đạo thành phố theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ chống dịch.
“Tôi xin phép từ chối tiếp chuyện trực tiếp để dành thời gian cho công tác chống dịch và hẹn lại vào một dịp khác”, là câu nói của đồng chí Chủ tịch UBND phường 2 quận 8 qua điện thoại. Trao đổi nhanh qua điện thoại, anh cho biết: “Công việc ở các địa phương mỗi ngày luôn gấp rút và bận rộn vì điều phối nhân sự để kiểm soát chặt chẽ các khu vực được cách ly trong dân cư, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người đang cách ly và biện pháp an toàn cho các đơn vị làm nhiệm vụ theo dõi ở những khu vực này”.
Không ít người sau khi hoàn thành việc cách ly đã gửi những dòng tri ân đến đội ngũ y tế. “Cảm ơn các anh chị bác sĩ, anh chị điều dưỡng và các anh bộ đội đã hỗ trợ và chăm sóc chúng em”, “Em cảm thấy rất may mắn và biết ơn khi được đưa vào cách ly tại đây. Các y, bác sĩ rất nhiệt huyết và tận tâm chăm sóc cho chúng em. Em thay mặt phòng số 7 gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các anh, các chị. Mọi người mãi là anh hùng thầm lặng trong lòng chúng em”, “Cảm ơn tất cả các anh chị đã chăm sóc chúng em. Nhờ đó những ngày tháng cách ly không còn buồn như mọi người lầm tưởng, đó là những ngày tháng vô cùng ý nghĩa. Cố lên các anh chị y, bác sĩ, chiến sĩ, quân nhân”, “Tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tận tâm trong những ngày qua của các anh chị. Các bác sĩ vất vả nhiều rồi!”. |
Mạng xã hội, sức mạnh trong thời công nghệ số cũng góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Những hashtag kêu gọi cộng đồng cùng chung tay như: #oyenkhitoquoccan, #toionha… được nhiều người hưởng ứng nhằm làm việc tại nhà và hạn chế chuyện đi lại. Các bạn trẻ có lượt theo dõi đông trên mạng xã hội (Facebooker, YouTuber, Vlogger) cũng liên tục chia sẻ các tin bài chính thống về tình hình dịch bệnh, kêu gọi mọi người chống lại tin giả, những đồn đoán không chính xác nhằm mục đích câu view để tránh hoang mang, suy nghĩ lệch lạc trong dư luận…
Các video hướng dẫn việc đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách cũng được nhiều bạn trẻ thực hiện để nâng cao ý thức của cộng đồng. Những ngày này, khi tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, lo sợ thiếu thiết bị y tế cho tuyến đầu, nhiều bài viết kêu gọi nhường khẩu trang y tế cho đội ngũ y bác sĩ và hướng dẫn cách tái sử dụng khẩu trang vải an toàn, được cộng đồng mạng hưởng ứng và chia sẻ nhanh chóng. Những bài hát cổ động tinh thần chống dịch tươi vui, tạo động lực cho nhiều người cũng được lan tỏa mạnh mẽ.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự đoàn kết luôn làm nên sức mạnh lớn, một niềm tin nối dài nơi tuyến đầu và sự đồng lòng, san sẻ của hậu phương là cơ sở để vượt qua dịch bệnh.