Nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Bài 3: Những ngày dài nhất...

“Những ngày dài nhất từ đó đến giờ”, một ví von hóm hỉnh mà Hương nói với chúng tôi qua thông cuộc trò chuyện online, bởi hiện tại để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm, chúng tôi không được phép tiếp cận khu vực cách ly ở Bệnh viện (BV) Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi.

Hương lý giải, những ngày dài nhất vì ở đây bạn có đủ thời gian để làm rất nhiều việc mà trước đây chưa từng. “Buổi sáng em thường dậy vào khoảng 5, 6 giờ để tập thể dục, một điều mà 4 năm du học ở Anh em không làm được”, Nguyễn Thị Thu Hương (24 tuổi, du học sinh trở về từ Anh) chia sẻ.

Nhân viên khu vực cách ly Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi dọn dẹp vệ sinh  để đảm bảo an toàn cách ly.  Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chuyện ở khu cách ly

Lịch trình một ngày được Hương chia cụ thể: Buổi sáng tập thể dục, 7 giờ nhận đồ ăn sáng. Học bài online đến 11 giờ ăn cơm trưa, sau đó lau dọn trong phòng một chút và tắm giặt, ngủ trưa. 18 giờ ăn cơm chiều và tối học bài trực tuyến. Hương kể: “Ban đầu em hơi lo, vì không biết khi đi cách ly sẽ như thế nào. Nhưng lúc đáp máy bay, em xem việc đi cách ly để kiểm tra và theo dõi sức khỏe là một điều may mắn nhận được. Em hiểu đó là biện pháp an toàn cho chính em, gia đình và cộng đồng. Đến đây, mọi người rất chu đáo, tận tâm và mọi thứ ở khu cách ly rất tốt, phòng và khuôn viên sống sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều cây xanh nên mọi người hay xuống tập thể dục cả buổi sáng và chiều”.

“Ở đây phòng ốc sạch sẽ, giường chiếu, đồ ăn thức uống đầy đủ ba ơi! Bữa qua con còn được ăn món cá kho thơm ngon lắm. Ba cứ đọc đâu trên mạng họ chê này kia làm gì rồi lo, mấy cậu ấm cô chiêu mới vậy, riêng con thấy ổn. Với nữa, ba mẹ có ghé xuống thăm con nhớ đừng mang đồ ăn hay gì cồng kềnh, thành phố lo hết rồi. Có 14 ngày chớ nhiêu đâu! Tiếp tế cho con cái sim điện thoại để nghe gọi nha ba…”. Lời nhắn của Minh Khoa, cậu con trai 16 tuổi, từ khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM làm anh Nguyễn Phước Hải (quận 12, TPHCM) thấy an tâm phần nào.

Và cũng không phải vì sự tận tâm chu đáo đó mà các bạn trẻ ỷ lại, Hương cùng nhiều bạn chủ động dọn dẹp phòng, giặt giũ drap giường và quần áo để cố gắng giảm bớt công việc cho hộ lý. Cô bạn xúc động chia sẻ: “Mấy bạn em nói, cảm thấy đang sống rất lành mạnh, có mấy bạn nam trước giờ chưa tự giặt đồ lần nào, qua phòng các bạn nữ hỏi giặt đồ như thế nào là sạch. Tụi em chủ động vậy, nhưng các nhân viên vẫn phát đều đặn và dặn cứ dùng đi họ sẽ giặt giũ hết không cần lo. Nhiều lúc ngồi trong phòng nhìn mọi người tất bật dưới trời nắng nóng lo công lo việc mà thương lắm”. 


Trở lại Việt Nam sau chuyến công tác Nhật Bản, chị Nguyễn Trình Thùy Trang (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) được chuyển về khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Chị nói, nhìn cảnh giữa đêm các bạn dân quân tự vệ kiểm đếm, phụ mang vác hành lý, nhân viên y tế thăm khám sức khỏe cho mọi người, thấy thương quá. “Họ vất vả quá rồi, làm xuyên đêm. Những ngày hôm sau, trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa cái nóng ở khu làng đại học, họ vẫn đo nhiệt độ, thăm khám sức khỏe chúng tôi; phục vụ cơm ăn không thiếu bữa nào. “Nhà bếp hôm nay nấu cơm có ngon không chị?”, có bữa hỏi ngắn vậy đó mà cảm động”, chị Trang chia sẻ.

Về sinh hoạt bên trong khu cách ly tập trung, chị kể: “Buổi sáng, tôi dậy tập thể dục, đi lấy nước, tự lau dọn vệ sinh phòng mình. Ăn uống 3 bữa hoàn toàn đều được lo nên chỉ tới giờ là ăn thôi. Trong này, tôi vẫn làm việc online, đọc sách, báo cập nhật tình hình. Nói chung, chúng tôi đã ra khỏi nhịp sống hàng ngày. Có người bình thản, cũng có người lo lắng vì điều kiện chắc chắn không bằng ở nhà, nhưng cứ nhìn những người làm công tác chống dịch thì thấy ấm lòng rồi biết cách ứng xử. Riêng tôi, bản thân đã chuẩn bị tâm lý cách ly từ sớm nên khá thoải mái. Đặc biệt, tôi và các bạn cùng phòng không đi ra ngoài nhiều, không đi lung tung trong khu cách ly”. 

Chị nói, nhẹ tênh: Việc “đứng yên” để không làm phiền các nhân viên y tế, những người làm công tác cách ly là điều cần thiết. Một người ở bên trong là đã giúp 100 người ở bên ngoài an toàn. Bởi thời điểm hiện tại không thể biết ai có ủ bệnh hay không. Đây là trách nhiệm công dân.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Trước tình hình lượng người từ nước ngoài về cần được cách ly tập trung tăng nhanh, từ sáng 19-3, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, đã có cuộc họp với lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM. Lãnh đạo TPHCM đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM làm tốt công tác chuẩn bị để sử dụng ký túc xá làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Ngay lập tức trong ngày, Đại học Quốc gia TPHCM kết hợp với lực lượng quân đội, lực lượng tại chỗ ở địa phương và kêu gọi các tình nguyện viên thực hiện hoạt động thu dọn đồ dùng của sinh viên tại ký túc xá đến các kho để kịp thời lấy phòng ở phục vụ làm khu cách ly. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Bá Bính, Trưởng bộ phận Văn hóa thông tin hỗ trợ sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết các hoạt động chuẩn bị được thực hiện gấp rút. Cơ sở vật chất Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM hoàn toàn đảm bảo, có không gian thông thoáng, có hàng rào biệt lập với khu dân cư… nên rất thuận tiện sử dụng làm nơi cách ly tập trung trong điều kiện TPHCM đang ngày càng quá tải vì số lượng người phải cách ly ngày mỗi tăng. “Bên cạnh việc đóng gói, niêm phong, bảo quản tài sản cho các sinh viên theo phòng ở và sẽ trả lại khi các bạn quay lại theo lịch học, chúng tôi tích cực hoàn thành tiến độ bàn giao các phòng cách ly. Ngay trong chiều 19-3, chúng tôi bàn giao các tòa nhà G3, G4, H1, H2 trong ký túc xá cho thành phố. Hiện tại quy mô hỗ trợ ở khu cách ly ký túc xá là 17.000 giường. Phía Đại học Quốc gia sẽ tiếp tục hỗ trợ theo nhu cầu của thành phố, cần đến đâu hỗ trợ hết mình đến đó. Mỗi ngày có khoảng 200-250 tình nguyện viên là các cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên tham gia hỗ trợ các công tác chuẩn bị; chưa kể, lực lượng nhân viên y tế, dân quân tự vệ và lực lượng tại chỗ của địa phương”, anh Bính thông tin.

Thành lập khẩn trương để chống dịch, BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi đi vào hoạt động nhanh, đảm bảo an toàn cho việc cách ly và điều trị. Bên cạnh đó là một thái độ ân cần, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ trong việc đáp ứng các nhu cầu cá nhân cho người cách ly, điều trị và bữa ăn luôn đảm bảo tốt nhất có thể. Khu vực bếp ăn tại BV ngoài việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn trong tình hình dịch bệnh hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (35 tuổi, phụ trách chính ở bếp ăn) chia sẻ: “Bếp luôn cố gắng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn cho mọi người; riêng đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên trực đêm, ngoài 3 bữa ăn chính còn có thêm bữa ăn phụ để mọi người không bị đuối sức. Các phần ăn sẽ mang đến tận phòng cho người cách ly và đội ngũ đang trong ca trực, đội ngũ còn lại dùng bữa tại khu vực nhà ăn của bếp”.
Tuy nhiên cũng có không ít người đăng thông tin lên mạng xã hội chê điều kiện vật chất ở các cơ sở cách ly tập trung và đi kèm nhiều đòi hỏi quá đáng. Chị Thu Hương bày tỏ suy nghĩ trên trang cá nhân: “Thời gian gần đây, có nhiều bài đăng phê phán một số bạn sinh viên và người Việt sống ở nước ngoài trở về Việt Nam tránh dịch nhưng có thái độ chê bai, không hợp tác, làm chậm quá trình làm việc của cơ quan chức năng. Cá nhân mình cảm thấy rất xấu hổ cho những trường hợp như thế, khi cũng là một du học sinh trong cộng đồng người Việt về tránh dịch thời gian này. Mọi người đều đang được nhận sự trợ giúp từ Nhà nước, của thành phố về cả vật chất lẫn tinh thần, chưa biết cảm ơn sao cho hết…” 

Chị Nguyệt Nga (Việt kiều từ Mỹ, đang ở khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Các bạn bên y tế hay quân đội đều mặc bộ áo quần bảo hộ màu xanh nên tôi không thể phân biệt. Vì vẫn còn lệch múi giờ nên tôi khá mệt và không nằm quen, cảm giác giường hơi cứng. Vậy mà, sáng ra, khi đứng nhìn xuống từ trên cao, thấy cảnh các tình nguyện viên, dân quân trải chiếu nằm ngoài đất, ngoài trời, họ không có chăn và đắp bằng chiếu… bỗng dưng mắt tôi cay xè. Thương các bạn trẻ quá!”.

Tin cùng chuyên mục