Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến cả nhóm chúng tôi lo lắng, bởi trong đám bạn có đứa vì quá sợ dịch bệnh, 2 tháng nay chấp nhận nghỉ việc không lương. Đem nỗi lo này hỏi các y, bác sĩ, một câu trả lời rất chắc chắn: “Tâm thế luôn sẵn sàng từ lâu, không có gì phải sợ”.
Anh Nam cho biết: Hôm qua, BV Ung bướu có 6 nhân viên y tế, trong đó có 2 bác sĩ túc trực làm việc tại đây. Tới 16 giờ, lượng người cách ly về đông, chúng tôi phải huy động thêm người. Trong khoảng thời gian ngắn, 4 y, bác sĩ tình nguyện đã có mặt, cực kỳ nhanh. Hôm nay, một số bác sĩ trực xuyên đêm trước ở lại làm việc luôn. Các anh chị đa phần là người trẻ của BV, viết đơn tình nguyện tham gia vào đội hình hỗ trợ các khu cách ly, đều được tập huấn rất kỹ từ Sở Y tế. Một số bạn trẻ lúc đầu còn chia ca, chia kíp, nhưng trước khối lượng lớn công việc nên đã sẵn sàng ở lại cùng đồng đội ca sau. Nhiều bác sĩ cho biết sẽ ở lại khu cách ly 2-3 tuần nếu cần thiết, để hỗ trợ người dân.
TS - bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho biết, BV đã có kế hoạch tổ chức 3 ê kíp bác sĩ trẻ thay phiên nhau xuống khu cách ly hỗ trợ, mỗi ê kíp từ 7-10 nhân viên y tế, trực 24/24 giờ. “Tôi đánh giá cao tinh thần xung kích của các y, bác sĩ, điều dưỡng trẻ. Họ rất năng nổ, nhiệt tình, sẵn sàng đến nơi tuyến đầu chống dịch. Phía BV cũng có phương án chuẩn bị tổ chức thêm đội y, bác sĩ như thế nếu thành phố cần”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn cho hay.
2. “Anh ơi, có ca này không biết đủ tiêu chuẩn, nhập BV mình không?”, “Anh ơi, có ca nghi ngờ nhiễm thêm bệnh thủy đậu nữa thì như thế nào?”, “Anh ơi, giờ hết phòng rồi làm sao ạ?”… Những cuộc gọi liên tục từ đồng nghiệp cấp dưới về cho bác sĩ CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, với rất nhiều tình huống, dù anh đã xong ca trực, dù lúc nửa đêm. “Điện thoại tôi không dám để hết pin, không được để chế độ rung, bất kể mọi lúc. Các cuộc gọi đến rất nhiều, kể cả việc tư vấn hội chẩn hỗ trợ các BV khác. Khi có tình huống đặc biệt, tôi phải chạy vào BV, dù đêm hôm”, bác sĩ Phong nói về cường độ công việc hiện tại.
Từ tết đến giờ, bác sĩ Phong chưa có một ngày nghỉ. Hơn 20 y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Khoa Nhiễm D cũng không có một ngày nghỉ phép. Bác sĩ Phong cho hay, Khoa Nhiễm D tiếp nhận hơn 10 ca bệnh mỗi ngày. Hiện tại, BV đang điều trị 4 ca dương tính virus Sars-CoV-2, các ca khác đã được chuyển xuống các BV ở Cần Giờ, Củ Chi. Ngoài ra, bắt đầu từ tuần vừa rồi, BV thành lập thêm một khoa để bổ sung 50 giường bệnh cho các bệnh nhân đã âm tính, cần cách ly thêm 14 ngày.
Tới thời điểm này, ở TPHCM có 3 BV đủ chức năng điều trị số lượng lớn các ca dương tính virus Sars-CoV-2 là BV Bệnh nhiệt đới, BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, BV điều trị Covid-19 ở Cần Giờ. BV Bệnh nhiệt đới là tuyến cuối điều trị Covid-19. Tất cả các ca xác định dương tính virus Sars-CoV-2 đều được chuyển về đây rồi điều phối đưa đến các nơi khác nên trách nhiệm ở tuyến cuối rất nặng. “Phòng bệnh có ca dương tính, các hộ lý sẽ vào 2 lần/ngày, 1 lần chừng 2 giờ. Họ làm vệ sinh tất tần tật mọi thứ trong phòng; điều dưỡng vào đo huyết áp, đo sinh hiệu, chích thuốc, phát thuốc. Bác sĩ thì hàng ngày phải vào phòng cách ly, điều trị, phết mẫu… Ai cũng mặc đồ bảo hộ rất nóng, trong nhiều giờ, ướt đẫm mồ hôi. Thật sự, nhìn đồng nghiệp thương lắm. Mà làm như không ai biết than hay sao đó, chưa bao giờ nghe một lời than thở”, bác sĩ Phong nói về công việc hàng ngày của đồng nghiệp.
3. “Sự dấn thân và tinh thần luôn sẵn sàng của đội ngũ y tế trước các tình hình cấp bách, đó cũng là thế mạnh của ngành y thành phố”, chia sẻ của PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, giúp chúng tôi hiểu hơn về những y, bác sĩ nơi tuyến đầu. Anh nói thêm: “Hiện tại, những thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực y tế chúng ta đã có, để hỗ trợ cho quá trình theo dõi và điều trị để đạt hiệu quả cao nhất. Và một nỗ lực của ngành y TPHCM mà trước giờ tôi chưa từng thấy, đó là việc gấp rút hoàn thành BV Bệnh lý hô hấp cấp tính ở Củ Chi, chỉ trong 9 ngày đã trở thành một BV đúng nghĩa. BV điều trị Covid-19 ở huyện Cần Giờ cũng thế, trong một tuần, vừa chuyển đổi vừa chuẩn bị, vừa tiếp nhận điều trị 5 ca dương tính virus Sars-CoV-2”.
Không chỉ là cơ sở vật chất, máy móc hiện tại, rất nhiều bác sĩ đăng ký về hỗ trợ các khu cách ly điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, nói: “Tôi nghĩ rằng, đã chọn nghề y thì ai cũng có một cái tâm, một tinh thần trách nhiệm hết lòng với nghề. Kể cả các bác sĩ đã về hưu cũng vẫn muốn cống hiến. Các em sinh viên y khoa năm cuối cũng muốn cống hiến. Nếu có tình huống không ai muốn là dịch bùng phát thì lúc đó đương nhiên rất cần sự hỗ trợ của nhiều thế hệ ngành y. Mỗi người một vai trò, trách nhiệm khác nhau”. Đó là lý do những bạn trẻ ngành y mà chúng tôi đã gặp đều khẳng định, mình luôn sẵn sàng có mặt nơi tuyến đầu, dù thông tin mới nhất trong ngày 23-3 là một đồng nghiệp trẻ tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương dương tính với virus SARS-CoV-2. Một bác sĩ nơi tuyến đầu nhiễm bệnh, lo lắng lắm chứ…
“Phải đi chứ!”, anh Trần Văn Thông, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu BV Ung bướu, nói chắc nịch, đã đăng ký tự nguyện hỗ trợ tuyến đầu kiểm soát dịch bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Anh Thông cho biết, dự kiến đầu tháng 4 sẽ xuất phát đến tuyến đầu của thành phố. “Mẹ tôi nói: Là nhân viên y tế, đặc biệt là thanh niên trong thời điểm này, con phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình, cố gắng giữ gìn sức khỏe để thực hiện tốt công tác. Các đồng nghiệp khác của bệnh viện cũng đã đến các điểm cách ly để hỗ trợ chăm sóc y tế”, anh Thông nói. Trong khi đó, bác sĩ Lê Anh Đức, BV Nhân dân 115, cũng đã đăng ký tự nguyện đến các khu cách ly hỗ trợ. “Tôi cảm thấy bản thân nên gạt bỏ sự sợ hãi, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng phòng chống dịch. Bản thân tôi hy vọng những đồng nghiệp khác cũng xung kích để cùng chiến đấu chống dịch, giảm sự lo lắng cho người dân, đưa cuộc sống trở lại bình yên”, bác sĩ Anh Đức trải lòng.
“Mẹ đi rồi chừng nào mẹ về ạ?”, “Xong việc vài ngày là mẹ về”, sau cuộc trò chuyện ngắn với con qua điện thoại, Th.S-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cùng 5 đồng nghiệp trong Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 của BV Chợ Rẫy tức tốc lên đường đi Bình Thuận ngay trong đêm 11-3, chi viện cho địa phương này chống dịch. Bác sĩ Thơ chia sẻ: “Khi chọn ngành y, không riêng gì chúng tôi, các y, bác sĩ đều sẵn sàng xung kích như thế. Người làm ngành y vốn không bao giờ từ chối việc vất vả. Dù ưu đãi có thể không cao bằng các ngành nghề khác, nhưng hầu hết chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng. Có bác sĩ còn hỏi tôi: Em ơi! Chừng nào huy động thì nói nhé. Chị lên BV ở luôn”. Ngày 22-3, BV Chợ Rẫy nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Y tế và chỉ 30 phút sau khi nhận lệnh, Đội phản ứng nhanh của BV do Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, làm trưởng đoàn đã tức tốc lên đường đến Tây Ninh. Có mặt tại BV Đa khoa Tây Ninh, Đội phản ứng nhanh phối hợp với BV địa phương làm việc đến 3 giờ sáng ngày 23-3. Sau đó, đoàn tiếp tục hội chẩn liên viện, triển khai quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh... Trong ngày 23-3, Bộ Y tế thông báo có 2 ca dương tính virus Sars-CoV-2 đang được điều trị tại đây. |