Nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Bài 1: Những “chiến binh” blouse trắng

LTS: Lo âu, mệt mỏi là những gì có thể cảm nhận được, nhất là khi số người nhiễm Covid-19 mỗi ngày lại tăng thêm vài ca. Nhưng lo lắng không có nghĩa là mất đi niềm tin. 

Những người mà chúng tôi đã tiếp xúc trong những ngày qua, từ nhân viên y tế, lực lượng tại chỗ, tình nguyện viên và cả những người tại các khu cách ly tập trung ở TPHCM, đều có niềm tin sẽ vượt qua dịch bệnh này. Với nỗ lực không mệt mỏi của cả một hệ thống chính trị tại TPHCM, niềm tin đó là có cơ sở.

Nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Bài 1: Những “chiến binh” blouse trắng ảnh 1 Chuẩn bị bữa ăn cho người được cách ly tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi 
Những ngày này, tin giả - tin thật cứ chồng chéo nhau, tin đồn giấu dịch cùng sự hoài nghi về khả năng của y bác sĩ Việt Nam và xa hơn là hệ thống y tế nước nhà, khiến lòng người thêm xô lệch. Nhưng họ - những người khoác áo blouse trắng vẫn miệt mài làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu, không đính chính hay phân bua. Nhiệm vụ chính và cấp bách hiện thời của họ là giữ an toàn cho chính bản thân và xã hội - bao gồm cả những người ngoài kia đang hoài nghi, đồn đoán thất thiệt. Những ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, TPHCM giúp chúng tôi hiểu hơn về họ…

1. Tại khu 2 Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi - khu vực hành chính và sinh hoạt, phía dưới là các bộ phận hành chính, chuyên môn, phía trên là khu vực những người sắp hoàn thành thời gian cách ly. 

Gặp chị, chị nói vội trước khi ngồi lại cùng chúng tôi vài phút ngắn ngủi: “Lúc nào cũng sẵn sàng vậy hết, không kể ngày đêm gì đâu, có khi tiếp nhận trong đêm hơn 100 trường hợp. Qua bên đây, chờ chị chút nha. Khu vực này tụi em được đi lại”.

Người phụ nữ ngoài 50 tuổi dáng cao gầy đã có mặt ngay từ ngày đầu thành lập bệnh viện, nhiệm vụ của một điều dưỡng trưởng tại đây khiến chị nhiều trăn trở, nhất là tâm lý của mọi người. Chị Lê Thị Thu Hương (53 tuổi, điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM) kể: Mấy ngày đầu cảm giác như chăm sóc khách hàng vậy đó. Có người không hiểu rồi bức xúc, đưa ra đủ lý do như chuyện cách ly sao phải ở chung phòng với nhiều người và sử dụng chung một số phương tiện? Họ mang nặng tâm lý lo lắng, sẽ phải kéo dài thời gian cách ly vì có nhiều người cùng chung 1 phòng… Tụi chị phải dán thông báo hướng dẫn, giải thích rồi trao đổi qua điện thoại lẫn trực tiếp. Từ từ nhiều người hiểu vấn đề và cũng nhờ báo đài tuyên truyền thêm, nên về sau những người mới chuyển đến khu cách ly, tâm lý của họ thấu hiểu và chia sẻ hơn với đội ngũ y bác sĩ.

“Khó nhất là chuyện điều động và sắp xếp phòng cách ly sao cho phù hợp. Mỗi khi có người cách ly đã đủ điều kiện để trở về địa phương, mình phải gấp rút chuẩn bị, kháng khuẩn phòng ốc, giường bệnh và thậm chí dồn phòng khi cần nhưng ở đây cũng hạn chế tối đa việc này, thường sắp xếp người vào khu vực cách ly và họ ở đó cho đến khi về”, chị Thu Hương kể thêm.

2. Về nơi tuyến đầu trong những ngày này là nhiệm vụ cao cả và cấp bách của các y bác sĩ TPHCM, nhưng không có gì để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho những người nơi tuyến đầu ấy. Dù chuyên môn vững vàng, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng hộ, nhưng không thể chắc chắn hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm chéo. Tại Hà Nội đã ghi nhận có trường hợp nhân viên y tế dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đằng sau lớp khẩu trang y tế, chúng tôi không rõ gương mặt chị thế nào nhưng ánh mắt luôn ánh lên một sự vững tin. Bác sĩ Lư Lan Vi (39 tuổi, bác sĩ chuyên khoa II Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM) nói: “Nghe tin đồng nghiệp như thế, mình cũng buồn và lo lắng vì tuyến đầu nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng không phải đến khi xảy ra dịch bệnh như hiện tại, mà ngay từ đầu, khi chọn làm công việc của một bác sĩ khoa nhiễm, chúng tôi phải hiểu mình có nguy cơ bị lây nhiễm. Vì thế, tâm thế luôn sẵn sàng từ lâu, không có gì phải sợ vì mình đã có kỹ năng ứng phó và luôn luôn cẩn thận trong từng việc lớn nhỏ”.

Bác sĩ Lư Lan Vi đến bệnh viện đã hơn một tuần nay, tình hình hiện tại khá căng thẳng vì lượng người cách ly nhiều và đã có các ca dương tính đang điều trị tại đây. Biện pháp cách ly an toàn được tuân thủ chặt chẽ, người có nhiệm vụ mới được phép ra vào khu vực bệnh viện.

Câu nói: “Khu vực này em được đi lại” khiến chúng tôi thở phào. Trước khi đến một ngày, cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Anh trao đổi nhanh: “Không nên đến các khu vực cách ly trong khu vực bệnh viện vì tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao”. Chiều tối hôm đó, có thông tin cập nhật thêm 3 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 ca hiện đang cách ly điều trị tại bệnh viện. Có lẽ đó là lý do mà đầu dây bên kia, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng phải vội vàng tắt máy vì công việc gấp rút đang chờ anh.

Lương tâm của một bác sĩ, không ai muốn những người đang cách ly sẽ trở thành bệnh nhân, nhưng việc thăm khám, theo dõi mỗi ngày, bác sĩ Lư Lan Vi luôn xem đó như với người đang bệnh. Chị nói: “Phải tự đặt trong lòng nguyên tắc như vậy, để mình luôn luôn giữ tinh thần, đảm bảo các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống nhiễm khuẩn cao nhất. Tâm thế luôn sẵn sàng rằng mình đang tiếp xúc với bệnh nhân, không ỷ y và nghĩ họ chỉ mới cách ly, chưa có dấu hiệu gì. Vì nếu một chút lơ là hay một chút sơ suất nhỏ rất dễ xảy ra lây nhiễm cho nhân viên y tế”.
Nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Bài 1: Những “chiến binh” blouse trắng ảnh 2 Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi tiếp nhận hồ sơ bệnh án. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
3. “Thương lắm chứ!”, giọng chị Thu Hương chợt xúc động khi nói về các hộ lý. Chị đã chứng kiến nhiều hộ lý tình nguyện ở lại nơi tuyến đầu, thậm chí có người gia đình buộc họ chọn lựa đến với tuyến đầu chống dịch hay ở lại với gia đình, nhưng họ vẫn quyết định kề vai cùng đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

“Kiểm soát nhiễm khuẩn” là một khẩu hiệu ở nơi này, đặc biệt là với các hộ lý, những người làm công việc vệ sinh kháng khuẩn nhiều khu vực. Do họ không có nhiều chuyên môn sâu về y khoa nên đôi lúc không tránh khỏi tâm lý lo lắng khi có tin báo đã có ca dương tính. “Những lúc đó là báo động các khu vực liền, để mọi người nâng cao cảnh giác hơn. Và trong một ê kíp thăm khám mỗi ngày, mình cố gắng nhắc nhở nhau liên tục để luôn luôn cẩn thận và kiểm soát nhiễm khuẩn”, chị Thu Hương chia sẻ.

Trong cuộc trao đổi vội vàng, có phút giây lắng đọng lại, chúng tôi đoán phía sau lớp khẩu trang của người điều dưỡng trưởng ở bệnh viện nơi tuyến đầu này, có lẽ chị đang cười, bởi chị nói với giọng tự hào lắm: “Ông xã còn chở chị đi làm mà, ổng cũng làm trong bệnh viện đó, dù bộ phận khác không phải chuyên môn về y tế nhưng ổng cũng hiểu và ủng hộ chị lắm. Gia đình có lo lắng nhưng hiểu cho công việc và con cái đã lớn nên càng hiểu và ủng hộ mẹ”.

Trên vai là trách nhiệm của một người khoác áo ngành y và trách nhiệm cấp bách hiện thời của một điều dưỡng trưởng tại bệnh viện tuyến đầu, chuyên môn y tế và kinh nghiệm là lẽ hẳn nhiên, bởi chị đã có thâm niên vài chục năm trong nghề và cũng từng hướng dẫn nhiều thế hệ đàn em thực tập. Ẩn đằng sau dáng vẻ cao gầy, một tinh thần luôn vững vàng, mạnh mẽ, chị Thu Hương nói: “Trước tiên là mình phải vững vàng tinh thần và luôn cẩn thận trong mọi công việc, bởi không khéo rất có thể xảy ra lây nhiễm chéo và chính bản thân mình sẽ thành nguồn lây nhiễm cho xung quanh”.

Cũng chính vì lẽ đó, chuyện tác nghiệp của chúng tôi dừng ở khu vực cho phép, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn y tế, “Vì nhiệm vụ của tụi chị là phải bảo đảm an toàn cho tụi em”, chị nhấn mạnh. Câu nói khiến chúng tôi như trút đi phần lo lắng khi tác nghiệp trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành.

Những y bác sĩ tại đây lại vội vã trở lại với công việc. Dưới cái nắng của vùng đất thép, hình ảnh các anh chị trong chúng tôi như những “chiến binh” blouse trắng nơi tuyến đầu.

Tin cùng chuyên mục