Thông tin này được chuyển đến Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Nai mà trực tiếp là Đại tá Mai Xuân Chiến (Phó Chính ủy kiêm Phó trực ban của Ban chỉ đạo Khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Đồng Nai). Ngay sau đó, cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại sân bay này được tiến hành trong hơn 1 tháng và kết quả đã tìm được 150 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Từ kết quả này, một hành trình tìm kiếm mới để có thể mang lại sự an ủi cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ trên cả nước đã bắt đầu.
Đại tá Mai Xuân Chiến (người thứ 2 từ bên phải) đang trao đổi với cựu chiến binh Mỹ tại hiện trường
tìm kiếm hài cốt sân bay Biên Hòa
tìm kiếm hài cốt sân bay Biên Hòa
Vượt qua cảm xúc chiến tranh
Nhờ thông tin của kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã tích cực vào cuộc, thư từ trao đổi qua email được thực hiện như con thoi giữa 2 bờ đại dương. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo, gặp gỡ các nhân chứng để xác nhận, đối chiếu thêm các thông tin liên quan.
Tháng 3-2017, Đại tá Mai Xuân Chiến đã tham mưu với UBND tỉnh Đồng Nai mời 2 cựu chiến binh (CCB) Mỹ là Bob Conner và Đại tá Martin E.Strones (người chỉ huy việc chôn lấp bộ đội hy sinh) sang Việt Nam hỗ trợ cuộc tìm kiếm. Tất cả mọi chi phí do tỉnh chi trả.
Đại tá Chiến tâm sự: “Cảm xúc của 2 cựu binh Mỹ trước và sau khi sang Việt Nam cũng rất khác. Lúc đầu họ còn ngại, chưa hiểu hết bên mình, nhưng khi thấy chúng ta thân thiện, đối xử tử tế, họ rất tin tưởng. Họ tâm sự là chiến tranh thì đều để lại mất mát cho cả hai phía, nhưng họ thừa nhận cuộc chiến tranh đã để lại cho nhân dân Việt Nam quá nhiều mất mát. Và thực tế là sau khi từ Việt Nam trở về, họ đã gửi cho tôi nhiều tài liệu, hình ảnh hết sức quý về những hố chôn tập thể ở sân bay Lộc Ninh; khu vực trong và ngoài sân bay Biên Hòa”.
Không chỉ có nhân chứng là các CCB Mỹ, mà qua những video, hình ảnh quý do các CCB Mỹ cung cấp về sự hy sinh của bộ đội ta đã làm cảm xúc của chính người trong cuộc như ông Chiến trỗi dậy. Nhưng họ phải tạm kìm nén cảm xúc để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch tìm kiếm hài cốt liệt sĩ với sự hỗ trợ của chính những CCB từ phía bên kia.
Kinh nghiệm xương máu
Qua cuộc tìm kiếm, Đại tá Chiến nêu kinh nghiệm: “Có thông tin là phải đeo bám liền. Như CCB Martin cho biết là có 150 người, vì chính ông ta đã đếm xác bộ đội hy sinh trước khi đem chôn. Nhưng tôi chưa tin ngay mà phải thu thập thêm thông tin, hình ảnh và đối chiếu với nhau, cùng kết quả tìm kiếm nữa, thì mới khẳng định được con số chính xác. Trong cuộc tìm kiếm vừa rồi, chính CCB Martin đã chỉ đúng chỗ, có vẽ cả sơ đồ cho tôi luôn”.
Kinh nghiệm thứ hai - theo Đại tá Chiến - là phải “đến tận ngõ, gõ từng nhà”, dù nhân chứng đó có thể là người của chế độ cũ hay người của các nước đã từng tham chiến như Mỹ, Thái Lan… để tìm hiểu thêm nhằm củng cố thông tin. Đại tá Mai Xuân Chiến cho biết đang tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai gửi thư khen và cảm ơn các cựu binh Mỹ đã tham gia đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vừa rồi (thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội) và cũng để động viên, khuyến khích họ họp mặt các CCB Mỹ cung cấp thêm thông tin cho mình.
Ông Chiến trải lòng: “Chỉ ít tháng nữa tôi đến tuổi nghỉ hưu và sẽ chuyển giao lại người khác các hồ sơ, tài liệu có liên quan. Theo tôi, chúng ta có thể làm tốt hơn công tác quy tập này nếu tìm được càng nhiều nhân chứng, kể cả sĩ quan của chế độ Sài Gòn vì thực tế số lượng mộ tập thể tìm thấy ở sân bay Biên Hòa nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung chưa được nhiều. Nếu không làm nhanh thì chỉ thời gian ngắn nữa thôi, các nhân chứng sẽ già yếu. Trong chiến tranh chống Mỹ, chỉ tính trong chiến dịch Mậu Thân, chiến trường ác liệt trải dài từ Huế vào tận Đồng Nai, Sài Gòn và phía lính Mỹ không những chụp ảnh mà còn quay phim. Cách đây ít năm, chúng tôi cũng tìm được 130 bộ hài cốt ở huyện Nhơn Trạch từ các CCB Thái Lan chỉ. Tôi cho đây là bài học xương máu và là hướng đi đúng trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thời gian tới”.
Tiếp tục hành trình
Trong suốt 15 năm công tác ở Ban CHQS huyện Nhơn Trạch, Đại tá Mai Xuân Chiến đã tham gia nhiều đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khi chuyển về Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai và Ban chỉ đạo Khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban Chỉ đạo 1237) ông dành nhiều thời gian hơn cho công tác này. Cũng qua đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ có hiệu quả ở sân bay Biên Hòa vừa qua, xuất hiện thêm một số nhân chứng đến cung cấp nhiều thông tin về các hố chôn tập thể liệt sĩ khác ngay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Chiến đang lên kế hoạch cho 3 cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mới. Đầu tiên là khu vực ngoài hàng rào phía Đông sân bay Biên Hòa.
Đại tá Mai Xuân Chiến tâm sự: “Tôi tha thiết những ai biết thông tin hãy cung cấp cho Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai (qua số điện thoại 0982432332 của Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị) hoặc cho tôi qua số điện thoại 0913941568 để tiếp tục công cuộc đi tìm đồng đội”.
Ông Chiến dự định tham mưu UBND tỉnh mời 3 CCB Mỹ; trong đó có 1 người từng là lính Sư đoàn không vận 101 đóng chốt ở sân bay Biên Hòa, 1 người là công binh Sư đoàn 25 và 1 người là kiến trúc sư, vì họ là những nhân chứng chôn cất, chụp ảnh thi thể bộ đội ta hy sinh vào năm 1968-1969 khi tấn công sân bay Biên Hòa, và mời thêm một phóng viên của Mỹ cùng sang Việt Nam với các CCB để họ về tuyên truyền đến các CCB Mỹ, giúp cung cấp thêm thông tin cho công tác tìm kiếm.
Theo Đại tá Mai Xuân Chiến, các nhân chứng cũng cho biết, còn một hố chôn tập thể liệt sĩ nữa ở khu vực Bệnh viện Phạm Hữu Trí (Bệnh viện Đồng Nai cũ) và một điểm ở ngã ba sông Thao (thuộc ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) cũng liên quan đến trận đánh của bộ đội vào khoảng tháng 6-7 năm 1967. Ông cũng dự định gặp linh mục Phó Chánh xứ nhà thờ Thái Hiệp ngày trước, để xác định nơi chôn bộ đội trong trận đánh ngày 26-2-1969…