Hàng trăm kilômét đường giao thông, hàng chục công viên, khu vui chơi giải trí được xây dựng và nhiều hộ nghèo, neo đơn, khó khăn được chăm lo, cải thiện đời sống đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa bàn dân cư.
Cầu nối giữa đạo và đời
Mới hơn 5 giờ sáng, đoạn đường dọc kênh Tham Lương, khu phố 3, phường 13 (quận Gò Vấp) đã rộn tiếng nói cười của người dân đi tập thể dục buổi sáng. Từ ngày có đoạn đường gần 1km rộng rãi, sạch sẽ, có công viên dọc bờ kênh, bộ mặt địa bàn các tổ dân phố 19, 23, 25 với hàng trăm hộ dân đã được thay đổi.
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng khu phố 3, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sứ Hợp An, cho biết, trước kia đoạn đường này nhiều rác thải, lầy lội, “ổ gà”, rất khó đi lại. Để cải tạo đoạn đường, ông Hiếu vận động các hộ có điều kiện, nhà mặt tiền kênh có gì góp nấy. Còn hộ dân trong các con hẻm thì ông vận động các ông trùm trong giáo xứ.
“Tôi phụ trách 6 giáo họ, mỗi giáo họ có 3 ông trùm và 2 tổ trưởng dân phố. Cứ rỉ rả vận động, góp từng chút một vậy đó, tới lúc còn thiếu một ít thì vận động cha Chánh xứ nhà thờ góp thêm hơn 100 triệu đồng và mấy tấn xi măng, mấy xe đá”, ông Hiếu kể. Từ cách làm này của ông Hiếu, chỉ một thời gian ngắn, công trình có giá trị hơn 2 tỷ đồng đã hoàn thành.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM tặng quà gia đình Công giáo là thương binh, liệt sĩ |
Sáng chủ nhật hàng tuần, người dân tại các xóm đạo, Giáo xứ Bình Thuận, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) lại thấy nhóm bạn trẻ đẩy chiếc xe ba bánh, bên hông ghi dòng chữ: “Ve chai bác ái”. Ông Hải, một giáo dân trong xóm đạo, cũng góp một tay với các bạn trẻ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thông báo nhà nào có đồ phế thải thì mang ra góp, rồi phụ chất lên xe, phân ra nào giấy hộp, đồ nhựa, thủy tinh…
“Nay bà Lan sao có mấy vỏ bia thế kia?”, ông Hải hỏi. “Mới bán chiều qua”, bà Lan xòe ra xấp tiền lẻ, nói thêm: “Được trăm ba”. Ông Hải giải thích với chúng tôi: “Nhiều nhà dọn đồ phế thải thay vì đợi đến chủ nhật mang cho thì đem bán rồi giao tiền. Với cách này, xe ve chai bác ái đỡ phải vận chuyển, phân loại, cân bán đồ phế thải. Mỗi tháng được bao nhiêu tiền là mua quà tặng người khó trên địa bàn”…
Đó là 2 trong nhiều mô hình giáo dân các giáo xứ, họ đạo chung tay với chính quyền trong các công trình, việc làm ý nghĩa được báo cáo tại Đại hội Đại biểu người Công giáo Việt Nam TPHCM xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028).
Còn nhiều mô hình điển hình khác có sự tham gia của bà con các giáo xứ, họ đạo. Trong đó phải kể đến cuộc vận động “Giữ sạch bờ kênh”, “Tham gia bảo vệ môi trường ở những nơi bụi bẩn” và nhân rộng các mô hình hay ở cộng đồng, phù hợp với đặc thù, điều kiện ở từng giáo xứ, họ đạo, thu hút nhiều giáo dân tham gia giữ sạch khu phố, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chung tay với chính quyền lo cho dân
Là tổ chức đại diện cho đồng bào Công giáo TPHCM, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM đã có những đóng góp bằng nhiều việc làm thiết thực vào sự nghiệp chung, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng bào Công giáo ngày càng đoàn kết và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tích cực thực hiện theo đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, từ thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng số tiền hơn 543 tỷ đồng và hơn 23.000 lượt người hiến máu nhân đạo. Con số này có ý nghĩa và đáng trân trọng, minh chứng cho tinh thần Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ. Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt cho hoạt động của đồng bào Công giáo TPHCM, gắn trách nhiệm của mình cùng với chính quyền các cấp chăm lo đời sống nhân dân.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân là gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo, nhiều điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự; nhiều linh mục, tu sĩ, chức sắc, chức việc, giáo dân là những tấm gương sáng sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần phát huy những giá trị đạo đức của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Điển hình có nữ tu Trần Thị Lý, Trưởng phòng Chẩn trị y học cổ truyền Hy Vọng (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), dù hơn 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài chữa trị cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, phòng khám điều trị cho 100-120 bệnh nhân khó khăn... Trong công tác bảo vệ môi trường, Ban đoàn kết Công giáo các quận 4, 8, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận đã đi đầu trong vận động đồng bào hưởng ứng tham gia mô hình “Giáo xứ không rác”, tạo nét đẹp văn hóa trong từng khu phố, tổ dân phố…