Theo Bangkok Post, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha mới đây đã phản bác những lo ngại về một nền kinh tế trì trệ khi cho biết có hơn 2.000 công ty đã sẵn sàng hoạt động, vượt quá con số 1.686 nhà máy đã đi vào hoạt động trong năm nay.
Tuy nhiên, các luật sư bênh vực quyền lợi người lao động đã chất vấn chính phủ về việc doanh nghiệp mới ra đời rất đông nhưng không tuyển dụng nhiều nhân công như mong đợi. Còn theo ông Chalee Loysung, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Lao động Thái Lan (TLRC) thì trong số hàng ngàn công ty mới mở, một số công ty mới có thể đã đăng ký như một phần của dự án Hành lang kinh tế phương Đông (EEC) khổng lồ. Đáng chú ý là không có xác nhận nào về việc các doanh nghiệp đó có sử dụng lao động Thái Lan với số lượng đáng kể hay không.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp Trung Quốc thành lập trong EEC không có kế hoạch thuê nhân công địa phương vì họ có khả năng sử dụng nhiều máy móc thay thế trong quá trình hoạt động. Ông Chalee Loysung cho rằng suy thoái kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục vào năm tới. “Chính phủ đang làm gì để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn” và “câu hỏi quan trọng là chúng ta sẽ làm gì với ngày càng nhiều người mất việc?”.
Theo Sở Bảo vệ Phúc lợi người lao động (DLPW), ba lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc đóng cửa trong năm nay là: nông nghiệp; sản xuất kim loại; sản xuất xe và phụ tùng.
Những người có nguy cơ thất nghiệp cao nhất là công nhân của các công ty xin được áp dụng mục 75 của Luật lao động. Mục này cho phép các công ty đình chỉ hoạt động do khủng hoảng thanh khoản mặc dù họ phải tiếp tục trả cho công nhân của mình ít nhất 75% lương. Chỉ trong tháng này, ba công ty lớn đã thông báo đóng cửa, khiến ít nhất 1.200 người mất việc. Đó là Seishin Co ở Chon Buri (đóng cửa ngày 21-12) chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, Mizuno Plastic Co ở Ayutthaya (ngày 19-12) và Pongpara Codan Rubber Co ở Samut Sakhon (ngày 23-12), theo Tổng giám đốc DLPW Apinya Sujarittanont.
Ông Chalee nhận định chính phủ nên đánh giá các công ty dựa trên đơn đặt hàng từ khách hàng và số lượng công nhân bị sa thải. Từ đó, tiến hành phân loại những doanh nghiệp có khả năng tồn tại hoặc những doanh nghiệp không thể vượt qua. Các nhà chức trách cũng cần kiểm tra xem các công ty có trả bồi thường công bằng cho công nhân nghỉ việc hay không. Điều này vì quyền lợi người lao động và cần thiết, vì như Chủ tịch Hội đồng Phát triển Lao động nhân công Manas Kosol đã dự đoán, năm 2020 sẽ là một năm khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp.
Nhưng bà Apinya cho biết, trong số 174.082 người lao động thất nghiệp trong năm nay, chỉ có 27.859 người bị sa thải, còn lại là 126.384 người từ chức và 19.839 người bị mất việc vì hợp đồng lao động của họ đã hết hạn. Vẫn theo bà Apinya, việc làm trong năm tới có thể được cải thiện vì ngân sách quốc gia đang được giải ngân, điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế thông qua các dự án phát triển và kích thích kinh tế, dẫn đến tạo việc làm. Cũng có ý kiến cho rằng một số trường hợp công ty đóng cửa, sau đó mở lại với hy vọng sẽ giải thể công đoàn trong công ty cũ. Tuy nhiên, nếu điều này đúng, các công ty sẽ bị coi là vi phạm đạo đức và làm tổn hại chính uy tín doanh nghiệp của họ.