Nới rộng chính sách về ghép tạng: Thêm cơ hội cho người bệnh nghèo

Hiện nay, rào cản trong ghép tạng không chỉ là khan hiếm nguồn tạng, mà nặng nề không kém là câu chuyện chi phí y tế. Chi phí của ca phẫu thuật ghép tạng và điều trị sau ghép tạng (kéo dài suốt đời) khá lớn nên trở thành gánh nặng đối với nhiều người bệnh nghèo.

Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận mô tạng hiến từ một người cho chết não
Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận mô tạng hiến từ một người cho chết não

Chi phí lớn, điều trị suốt đời

Đêm 24-8 đến rạng sáng 25-8, ca ghép tim đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM diễn ra thành công với sự tập trung tối đa của ê kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức và nhiều lực lượng hỗ trợ.

3 giờ sáng, trái tim của người hiến từ Hà Nội đập nhịp đầu tiên trong lồng ngực của anh L.A.H. (37 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai), một người bệnh bị suy tim nặng. Sau 5 ngày ghép tim, anh L.A.H. hồi phục, tự ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Cuộc sống của anh bước sang trang mới với một trái tim mới, nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị chống thải ghép.

Đầu tháng 7, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM lấy một phần gan từ chị H.T.T.T. (ngụ tỉnh Bình Thuận) ghép cho con gái 3 tuổi bị hội chứng Budd Chiari (tắc dòng chảy dẫn lưu của các tĩnh mạch gan) rất hiếm gặp. Chồng của chị T. làm thợ hồ, chị ở nhà chăm con ốm đau, nhập viện suốt 2 năm nay. Bệnh viện và các bác sĩ đã hỗ trợ hết sức để ca phẫu thuật thành công, bé gái được tiếp tục sống.

“Những ngày tháng sau này là thách thức rất lớn vì bé phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời”, chị T. nói. Theo TS-BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, chi phí trung bình của một ca ghép gan tại cơ sở này là 600-700 triệu đồng, bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả khoảng 1/3, gia đình đóng phần còn lại.

Thực tế, chi phí quá lớn là rào cản chung của người bệnh nghèo cần ghép tạng. Nhiều gia đình đã thế chấp giấy tờ nhà, vay mượn khắp nơi với khao khát kéo dài sự sống cho người thân bị suy tạng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có những người bệnh bước vào ca đại phẫu với số tiền có được chưa đến 20 triệu đồng, dù tổng chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ngay khi xác minh hoàn cảnh của người bệnh, bệnh viện thường liên hệ với nhà hảo tâm xin hỗ trợ để ca phẫu thuật được diễn ra theo kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay cả nước có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, các bác sĩ làm chủ kỹ thuật ghép tạng. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim.

Ngoài ra, các chi phí cho hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy - bảo quản, điều phối, vận chuyển mô tạng cũng như các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất.

Thực trạng này khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí, đặc biệt là các bệnh viện có người hiến tạng.

Xem xét tăng mức chi trả BHYT

Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, nguồn tạng hiến từ người cho chết não phải được sử dụng cho người nhận phù hợp nhất với mô tạng đó về mặt y khoa, bất kể người nhận là ai, điều kiện kinh tế ra sao. Tuy nhiên, chi phí ghép tạng còn rất cao so với điều kiện kinh tế của người bệnh, đặc biệt là người nghèo đã điều trị lâu dài.

Các chuyên gia y tế cũng nhìn nhận, hiện nay, BHYT chi trả cho phẫu thuật ghép tạng còn quá thấp. Theo thống kê, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tổng chi phí 1 ca ghép gan khoảng 1 tỷ đồng nhưng BHYT chi trả chỉ 200 triệu đồng; tại Bệnh viện Phổi Trung ương, 1 ca ghép phổi có chi phí từ 1,1-1,3 tỷ đồng, bệnh viện phải hỗ trợ người bệnh gần 1 tỷ đồng.

Một khó khăn không nhỏ khác là chi phí hiến - lấy bộ phận cơ thể người từ người hiến sống vẫn còn nhiều khoản chưa được BHYT chi trả, bao gồm việc đánh giá, xét nghiệm ở người hiến sống (toàn bộ chi phí đều do người nhận chi trả), lấy và rửa tạng (thuốc, vật tư, phẫu thuật viên), chăm sóc sau ghép (hậu phẫu, tái khám…).

C4c.jpg
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu cho rằng, BHYT cần xem xét chi trả 100% cho người bệnh ghép tạng và 100% chi phí của người hiến trong giai đoạn hồi sức cấp cứu. Về lâu dài, cần có chính sách quan tâm và hỗ trợ người bệnh sau ghép tạng nhằm đảm bảo người bệnh có cuộc sống chất lượng hơn, có công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe để tạo ra của cải vật chất và đóng góp trở lại cho xã hội.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ, hiện nay chưa có chính sách cụ thể về thanh toán các chi phí vận chuyển, hồi sức và chẩn đoán chết não, chưa có quy định cụ thể về quyền lợi của người hiến tạng và gia đình người hiến chết não…

Do vậy, cần xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng chung cho tất cả cơ sở y tế trong cả nước, có chính sách thanh toán toàn bộ chi phí lấy tạng, chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến và định kỳ kiểm tra sức khỏe cho người hiến.

Các chuyên gia cũng đề nghị, cần thành lập quỹ hỗ trợ nhân đạo để hỗ trợ người bệnh khó khăn, người hiến và giảm áp lực cho cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép mô tạng. Khi đó, cánh cửa ghép tạng nối dài sự sống cho người bệnh, đặc biệt là người nghèo, sẽ được mở rộng hơn.

Tin cùng chuyên mục