“Nới” quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT 2024) đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Theo các chuyên gia, dự thảo có nhiều quy định mới, giúp mở rộng phạm vi và quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Mắt TPHCM
Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Mắt TPHCM

Được “vượt tuyến”, thêm thuốc

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt 95% người dân tham gia. Phạm vi quyền lợi của người bệnh khám, chữa bệnh BHYT cũng được mở rộng. Đặc biệt, bổ sung quy định người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao (như: ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...) sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám, chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT ở mức cao nhất.

“Quy định này vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám, chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu kỹ danh mục bệnh được “vượt tuyến”, phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối”, bà Trần Thị Trang thông tin.

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang tồn tại ở nhiều cơ sở y tế trên cả nước, khiến người bệnh phải tự bỏ tiền ra mua, bà Trần Thị Trang cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng cho phép điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế BHYT nếu không có sẵn và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác - điều mà luật hiện hành không chi trả.

Trong trường hợp không điều chuyển thuốc, vật tư y tế từ các cơ sở khác được thì cho phép bệnh viện mua lẻ, người bệnh không phải bỏ tiền ra mua. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong đấu thầu - đang là vấn đề “nóng” của xã hội. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cũng không quá “mở” để tránh việc các bệnh viện không chịu đấu thầu, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT.

Với đề xuất quy định tỷ lệ hưởng BHYT 100% trong phạm vi mức hưởng đối với người bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo (trong đó có bệnh ung thư, đột quỵ, bại liệt…), bà Trần Thị Trang thông tin, hiện Quỹ BHYT có hạn, trong khi các thuốc điều trị mới ra đời có giá thành cao, do vậy Bộ Y tế đang tính toán kỹ lưỡng về mức hưởng tối đa đối với từng loại bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang xây dựng danh mục thuốc cập nhật và bổ sung các thuốc điều trị mới được BHYT chi trả. Đồng thời, dự thảo đề xuất một số trường hợp dù đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện thì cũng được hưởng 100% quyền lợi.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT khá rộng. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động tài chính một cách đầy đủ, thận trọng nhằm đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi người tham gia BHYT cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối Quỹ BHYT.

Nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, toàn quốc có hơn 93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35%. Việc tham gia BHYT góp phần làm giảm chi tiêu của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Theo bà Trần Thị Trang, trên thực tế, người Việt đang phải tự trả hơn 40% chi phí khám, chữa bệnh.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi tỷ lệ tiền người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì mới là hệ thống y tế bền vững - đây là mục tiêu Việt Nam đặt ra vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nhiều dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT, như: quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, như: đối tượng tham gia; phạm vi được hưởng; đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng…

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là cần thiết, để bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở và hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ BHYT.

Tỷ lệ bao phủ BHYT

Năm 2015: 68,5 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 74,9% dân số

Năm 2019: 85,7 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 89,1% dân số

Năm 2023: 93,307 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số

Số lượt khám, chữa bệnh BHYT

Năm 2015: 130,2 triệu lượt (ngoại trú: 118,2 triệu lượt; nội trú: 12 triệu lượt)

Năm 2019: 184 triệu lượt (ngoại trú: 166,9 triệu lượt; nội trú: 17,1 triệu lượt)

Năm 2022: 150,4 triệu lượt, tăng 24 triệu lượt so với năm 2021

Năm 2023: trên 174 triệu lượt

Tin cùng chuyên mục