Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi (dự thảo) đã được chỉnh lý theo hướng “nới tay” hơn đối với OTT viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây. Dự thảo sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại đợt 2 phiên họp thứ 25, dự kiến vào ngày 24-8.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới, gồm dịch vụ OTT viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.
Dự thảo mới nhất đã chỉnh lý, giải thích rõ hơn thuật ngữ của 3 dịch vụ này, đồng thời chỉnh lý, bố cục riêng một mục quy định các nội dung về quản lý đối với 3 dịch vụ nêu trên cho rõ ràng để các đối tượng chịu sự tác động của Luật thuận lợi trong quá trình thực thi.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu là cần có phương thức quản lý phù hợp đối với các dịch vụ mới, dự thảo cũng đã được chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 loại dịch vụ nêu trên.
Cụ thể, không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam để thể hiện rõ chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu của khu vực.
Dự thảo cũng quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông, trong đó tập trung vào các vấn đề về bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống, không làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo chỉ quy định nguyên tắc về điều kiện hoạt động, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông) và quy định thủ tục đăng ký, thông báo để bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với yêu cầu quản lý.
Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 3 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, cho đến nay, các dịch vụ này chưa được Việt Nam cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan. Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có thể chủ động điều chỉnh quản lý phù hợp với chính sách thương mại quốc tế trong từng thời kỳ.