Nỗi niềm“Người đàn bà cát”

Nỗi niềm“Người đàn bà cát”


Ngày 7-11-2009, tại Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (218 A Pasteur, Q3) sẽ khai mạc triển lãm tranh cát do họa sĩ Kim Thủy thực hiện. Với chủ đề “Tranh cát và Nội thất”, (kéo dài từ ngày 7 đến hết ngày 14-11-2009), chị muốn đem đến cho người yêu tranh một không gian mới.

Cát và không gian của nội thất

Tranh cát là một trong những loại hình nghệ thuật rất kén người theo đuổi. Bởi không chỉ có tài hoa của người họa sĩ mà còn đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn của một nghệ nhân lành nghề.

Đam mê hội họa từ nhỏ, nhưng mãi đến sau này khi có duyên theo học tranh cát với họa sĩ Ý Lan, chị mới khám phá và đi theo con đường riêng của mình.

Trước khi đến với tranh cát, họa sĩ Kim Thủy là chuyên viên trang điểm có tiếng. Có lẽ điều này đã góp phần tạo nên sự nhạy cảm với màu sắc trong tranh của chị. Chị tâm sự: “Là một họa sĩ, cảm quan về màu sắc rất quan trọng. Tôi may mắn được nhà thiết kế Sĩ Hoàng góp ý rất nhiều trong việc phối màu, chính vì vậy tranh của tôi có nhiều gam màu lạ”.

Có nhiều bức nghĩ rằng đi với tông màu nóng sẽ bị lỗi nhịp nhưng khi kết hợp lại tạo nên nét quyến rũ đầy duyên dáng. Sự pha màu, phối màu một cách sang trọng với gam màu gạch bầm, đen, trắng khiến cho bức tranh càng thêm cuốn hút.

Nỗi niềm“Người đàn bà cát” ảnh 1

Quan niệm màu sắc trong tranh chị rất lạ, không đi theo mô típ thông thường. Đó là những đóa sen màu đen bí ẩn hay những sóng cát xám nhấp nhô buổi về chiều… Thành công của tranh cát Kim Thủy không chỉ ở phương pháp tạo bóng chân dung mà còn cả sự phối màu. Những gam màu lạ là một trong những yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt trong tranh chị, góp phần mang đến một xúc cảm mới cho tranh cát.

Trong lần triển lãm này, họa sĩ Kim Thủy đã đem đến hiệu ứng đặc biệt khi đưa cát vào không gian của nội thất. Chị Thủy cho biết: “Lâu nay mọi người vẫn dùng loại tranh truyền thống để trang trí cho không gian của căn nhà. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình không đưa cát vào không gian ấy, biết đâu sự phá cách ấy sẽ mở ra nét quyến rũ riêng biệt”.

Nghĩ là làm, chị Thủy bắt tay vào thực hiện những bức tranh với khuôn kính rộng từ 50cm trở lên để gắn ốp vào tường. Tranh được làm từ cát khiến cho không gian như giao hòa với thiên nhiên, đất trời. Có thể nói những hạt cát như chất xúc tác làm lắng đọng, thanh lọc không gian giữa ồn ã phố thị…

Con đường đến với số phận kém may mắn

“Nếu thành công với tranh cát, điều đầu tiên là tôi sẽ làm từ thiện để trả nợ đam mê”- họa sĩ Kim Thủy tâm sự.

Tâm huyết ấy đã theo chị rong ruổi trên những nẻo đường tìm cát. Để rồi trong lần triển lãm đầu tiên vào tháng 11-2008, tại khách sạn Riverside, toàn bộ doanh thu được chị dành tặng cho các em tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi Hóc Môn.

Họa sĩ Kim Thúy trong triển lãm tranh cát từ thiện

Họa sĩ Kim Thúy trong triển lãm tranh cát từ thiện

Chứng kiến niềm vui của các em, chị càng thêm trăn trở: “Để sống được với tranh cát mình phải yêu những hạt cát mong manh. Có lẽ tình yêu ấy đã mở ra con đường để tôi đến được với nhiều số phận kém may mắn của các em mồ côi, khuyết tật”. Trong lần triển lãm “Tranh cát và Nội thất” diễn ra ngày 7-11-2009, họa sĩ Kim Thủy lại quyết định dành toàn bộ doanh thu trao tặng Nhà mồ côi Truyền tin- Mái ấm của bé, số 923 đường Tân Kỳ Tân Quý, Q Bình Tân.

Cả hai lần triển lãm của họa sĩ Kim Thủy đều với mục đích từ thiện. Ngày ngày chị vẫn miệt mài như con dã tràng xe cát, góp nhặt để mục đích cuối cùng là góp phần mang đến nụ cười cho các em mổ côi, khuyết tật. “Người đàn bà cát” ấy đang rải những hạt yêu thương để mở ra một con đường rộng và dài hơn.

Với họa sĩ Kim Thủy, chỉ có làm từ thiện mới phần nào trả được nợ đam mê. Chị dành tất cả tình yêu cho cát để thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Để rồi cát đã nối nhịp cầu đưa chị đến với nhiều điều ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

THÙY DUNG

Tin cùng chuyên mục