Tôi chỉ có một mong ước nhỏ nhoi, đó là được cùng chồng bàn bạc, chia sẻ những dự định, kế hoạch tài chính. Từ khi cưới đến nay, vợ chồng tôi tuy ăn chung, ngủ chung nhưng tiền ai nấy biết.
Cho tới bây giờ, tôi không hiểu mình đã chọn nhầm người, hay anh đóng vai quá đạt. Con người anh từ lúc yêu, đến khi chúng tôi cưới nhau dường như là 2 phiên bản trái biệt. Khi yêu, anh quan tâm, chăm sóc, chiều chuộng tôi cỡ nào thì cưới xong, anh khác đi từng ấy.
Chúng tôi yêu nhau gần 6 năm mới cưới. Anh hơn tôi 12 tuổi, là con một người bạn của ba mẹ tôi. Mâu thuẫn về tài chính của vợ chồng tôi phát sinh ngay trong đêm tân hôn khi anh thẳng thừng lấy phân nửa tiền mừng cưới để trả nợ. Tôi hỏi nợ gì, anh mới chỉ vào căn phòng cưới của chúng tôi và cho biết, tiền sửa sang phòng (nhà anh rất rộng, có phòng riêng cho các thành viên trong gia đình) quá sức của anh nên bây giờ phải lấy tiền mừng cưới để trả. Tôi nghĩ, lẽ ra, những việc như thế này anh phải bàn với tôi từ sớm, đằng này anh tự quyết định tất cả, không thèm hỏi tôi một câu. Chưa hết, số còn lại, anh cho vào tủ cùng với vàng cưới, khóa lại và… giữ chìa khóa. Anh bảo rằng, tôi trẻ người non dạ nên anh giữ cho chắc, để dành cho những việc lớn trong nhà.
Từ đó trở đi, tôi coi như không biết đến số tiền mừng cưới. Vợ chồng tôi ăn chung với ba mẹ chồng đã nghỉ hưu và anh trai. Hôm cưới về, tôi vẫn còn một ít tiền để chi xài. Đến ngày nhận lương, không thấy anh đưa tiền, tôi hỏi thì anh nhăn nhó bảo lương của anh phải để anh chi tiêu, phần tôi đã có lương sao lại hỏi. Tôi ngớ người bảo muốn góp tiền ăn, sinh hoạt với ba mẹ, còn lại để cất lại dành sinh con và lo những việc khác, anh cương quyết lắc đầu, bảo ở nhà ba mẹ nuôi, tôi không cần phải tính đến. Anh đã nói vậy thì đành chịu, nhưng tôi không thể “mặt dày” ăn bám cha mẹ nên trích từ khoản lương giáo viên ít ỏi của mình gửi tiền ăn nhưng mẹ chồng nhất định không nhận. Tuy vậy, tôi vẫn rất áy náy. Hàng tuần, tôi giành phần đi chợ 1, 2 ngày, thỉnh thoảng mua thêm sữa, trái cây và trả tiền điện, nước trong nhà.
Cưới 3 tháng thì tôi có thai, anh vẫn lo lắng, quan tâm nhưng tiền thì… không đưa một đồng. Tôi tự lo tất tần tật từ tiền ăn bồi dưỡng, mua sữa, quần áo… Khi tôi sinh con và về nhà cho mẹ đẻ chăm, anh vẫn không thay đổi, đến nước này thì tôi nản. Nghỉ sinh không có lương, tôi vô cùng khổ sở. Mẹ tôi lo chu đáo hết mọi thứ, nhưng tôi không thể đụng cái gì cũng gọi mẹ. Sắm thêm cho con bình sữa hay chục tã mới, tôi chỉ biết nhín nhịn vào số tiền ít ỏi dành dụm trước đó.
Với chồng, tôi đã áp dụng nhiều cách, từ nói to, nói nhỏ, tâm sự, giận dỗi, thậm chí... cấm vận, nhưng anh vẫn cương quyết không thay đổi. Tôi biết, số tiền lương và phụ cấp hàng tháng của anh không hề nhỏ. Đến nay, sau 3 năm cưới nhau, tôi vẫn không biết đồng tiền của chồng như thế nào. Tôi ước ao được như phần nhiều cặp vợ chồng xung quanh, hàng tháng cùng nhau tính toán, chia sẻ việc chi tiêu, dành dụm tiết kiệm mua một vật dụng nào đó trong nhà. Một mình gồng gánh mọi khoản của 2 mẹ con, nhiều lúc tôi muốn tỏ lòng hiếu thuận với ba mẹ 2 bên một chút mà cũng không thể. Ngoài nỗi ấm ức về việc một mình phải xoay xở tiền bạc, tôi còn cảm thấy mình chẳng là gì trong mắt chồng. Vẫn biết, anh có nhiều khoản cần chi tiêu và những dự định tương lai cho gia đình nhỏ, nhưng giá như vợ chồng chia sẻ cùng nhau, cùng lập kế hoạch và bàn bạc thì mối quan hệ vợ chồng sẽ dễ chịu, nhẹ nhàng biết chừng nào.
Bạn bè ai cũng bảo vợ chồng tôi là có một không hai. Đành rằng tiền nong là chuyện tế nhị, nhưng thực tế, đó là chuyện “hàng ngày”, chuyện lớn, ảnh hưởng nhiều chuyện khác trong gia đình. Tôi không biết anh đang tính toán, lo lắng những gì, còn tôi thì không thể làm việc mà nhiều phụ nữ khác vẫn làm là lo toan, vun vén, tiết kiệm, dành dụm cho gia đình. Vợ chồng tôi, mỗi người một ví tiền, mỗi người một mối bận tâm, ai cũng có những khoảng không trong lòng. Và hố sâu ngăn cách giữa vợ chồng tôi mỗi lúc một rộng thêm.
HÀ THƯƠNG