Thế nhưng, nghề môi giới không dễ hái ra tiền như nhiều người nghĩ. Công việc của môi giới khó khăn và cam go hơn nhiều.
Thời của thị trường chứng khoán (TTCK) vào những năm 2006-2008 được xem “cứ vào là thắng”, nghề môi giới được gọi là “sang chảnh” trong tất cả các nghề. Mấy anh môi giới sáng đi làm thật bảnh bao, thắt cravat, chiều ăn nhậu phải có phòng lạnh hẳn hoi cùng các “ẻm” phục vụ. Nhà đầu tư lỡ mồm gọi môi giới bằng “cò” là xin bye không tư vấn, mời đi cò khác.
Những năm sau đó TTCK liên tục lao dốc, nghề này quay lại đi tìm nhà đầu tư nhưng không được săn đón. TTCK ngày nay với chỉ số tăng lên đỉnh của 10 năm trước, nhưng nghề này không còn như thời hoàng kim, bởi nhà đầu tư đã có quá nhiều kinh nghiệm và cách đầu tư cũng khác.
Hiện nay, nghề môi giới bất động sản (BĐS) đang trở thành trào lưu và hot. Nhiều người ví môi giới BĐS là cánh tay nối dài của chủ đầu tư đến với khách hàng. Như bao ngành nghề khác, môi giới BĐS chịu sự tác động nóng - lạnh của thị trường. Kể từ khi BĐS có dấu hiệu ấm lên, các công ty môi giới mọc lên như nấm và nhanh chóng thu hút nhiều thành phần tham gia, trong đó đa phần là giới trẻ.
Đang có công việc ổn định với mức lương 6 triệu đồng/tháng, Ng.V.Bình (quận Bình Thạnh) đã quyết định nhảy sang làm nhân viên sale cho một sàn giao dịch BĐS. Bình chia sẻ lý do nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống, trong khi nghe bạn bè xung quanh rỉ tai nhau môi giới BĐS chỉ cần “ngồi buôn nước bọt” mỗi ngày, thu nhập cả trăm triệu đồng. Hành trang bước vào nghề môi giới như trang giấy trắng, Bình nhanh chóng nhập cuộc, được sếp quan tâm, đồng nghiệp hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm.
Bình mừng thầm vì ước mơ có công việc kiếm nhiều tiền đã trở thành hiện thực và nhận ra đây là một công việc thời thượng nhiều người trẻ lựa chọn. Bình dẫn chứng, cả bộ máy công ty chừng 60 người, thì trên 2/3 đồng nghiệp ở độ tuổi từ 25-30, trình độ trung cấp, cử nhân cho đến thạc sĩ đều có đủ.
Nói về thu nhập, Bình cho biết với nhân viên kinh doanh, mức lương cơ bản được công ty trả 4 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập từ hoa hồng bán sản phẩm. Tùy vào dự án, phân khúc sản phẩm, hoa hồng sẽ được chi trả tương ứng. Chẳng hạn, hiện công ty đang nhận phân phối một dự án với mức phí 5%. Nếu bán thành công sản phẩm giá trị 1 tỷ đồng, nhân viên được công ty trả hoa hồng từ 12-15 triệu đồng. Riêng những công ty không trả lương cho nhân viên, mức hoa hồng có thể trả lên tới 70% trên số % chủ đầu tư trả cho đơn vị môi giới.
Bình khoe và tự hào môi giới BĐS là một trong những lĩnh vực chi hoa hồng đậm nhất. Với những bậc đàn anh, đàn chị dày dạn kinh nghiệm, sở hữu lượng khách hàng tiềm năng tốt, thu nhập 50 triệu đồng/tháng là… chuyên nhỏ. Thậm chí nếu bán được căn biệt thự nghỉ dưỡng tiền đủ mua ô tô. Riêng bản thân mình, Bình chia sẻ sau 2 tháng kiên nhẫn thử sức nghề mới, rà soát các mối quan hệ từ gia đình đến bạn bè, vận đỏ đã giúp Bình thực hiện được 2 giao dịch thành công.
Lần đầu tiên nhận khoản tiền hoa hồng lớn, ai cũng reo lên sung sướng và thoáng nghĩ cuộc đời mình sẽ “lên hương” sau vài thương vụ nữa. Nhưng đời không phải vậy.
Là một cô gái có nhan sắc, trình độ đại học, sau khi được đào tạo kỹ năng bán hàng, thông tin về dự án, sản phẩm, Quyên tá hỏa khi biết sếp giao công việc đầu tiên là xuống đường phát tờ rơi. Quyên kể hễ công ty có dự án phân phối, lính mới như cô phải xuống đường, gõ cửa từng nhà phát tờ rơi. Bất chấp dưới cái nắng chói chang hay trời mưa tầm tã, những ánh mắt dò xét, bỡn cợt của người đi đường, ai cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.
Ánh Hồng, một nhân viên môi giới đảm nhận công việc “salephone”. Công việc ngồi phòng lạnh tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng đằng sau nó là những câu chuyện cười ra nước mắt. Hồng cho biết mỗi ngày phải thực hiện hàng trăm cuộc gọi, nhắn tin giới thiệu sản phẩm. Người tốt họ từ chối nhẹ nhàng, cũng có người cúp máy cái rụp, thậm chí mắng té tát vì cho rằng làm phiền họ.
“Làm nghề này đau tim lắm. Suốt ngày trong trạng thái hồi hộp, lo sợ, chờ đợi. Tư vấn sai khách chửi, bán lỗ khách chửi, giao nhà không đúng cam kết khách chửi. Tủi hổ nhất là nhiều thuê bao giả vờ quan tâm sản phẩm rồi tiếp cận ve vãn, gạ gẫm yêu cầu đến nhà tư vấn hoặc đi khách sạn thực hiện ý đồ đen tối” - Hồng tâm sự.
Vốn là nhân viên kinh doanh xuất sắc, V.Nam tiết lộ trong quý IV-2017, anh bán được gần 10 căn hộ. Bán nhiều hơn những quý trước đó, song anh Nam tỏ ra thất vọng vì phần % hoa hồng cắt gần hết cho khách hàng, trong giới gọi là “cắt máu” để chiều chuộng khách hàng và cạnh tranh với những môi giới viên khác. Theo đó, thay vì nhận được khoản hoa hồng 30-40 triệu đồng/căn, nay chỉ còn 3-5 triệu đồng/căn. Nếu trừ tất cả chi phí tự chạy quảng cáo, rao vặt, số tiền còn lại không đáng bao nhiêu. Trước tình hình đó, Nam và một số đồng nghiệp đang hùn vốn đầu tư hoặc tìm kiếm những khu đất vị trí tiềm năng để phân lô.
Lãnh đạo một sàn giao dịch tại quận 1, xác nhận tình trạng “cắt máu” đang diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Đối với những người mới, hoặc nhân viên nào nhiều tháng liền không có khách thường phải chấp nhận chọn cách “cắt máu” để lấy chỉ tiêu. Bên cạnh đó, khách hàng hiện nay khó tính hơn, tỉnh táo hơn, lúc nào cũng nghĩ môi giới ăn dày nên tìm cách đòi chiết khấu, tặng thêm thiết bị nội thất. Cũng theo vị lãnh đạo này, môi giới là ngành nghề được pháp luật thừa nhận, giữ vai trò quan trọng để đưa thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Hiện nay thông tin về thị trường BĐS khá tù mù, thiếu minh bạch, các quy định pháp luật về hoạt động môi giới còn quá nhiều kẽ hở, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nghiêm trọng hơn, một số công ty môi giới non trẻ, hoạt động như mô hình kinh doanh đa cấp, đã lừa dối khách hàng bán dự án “ma”, tự ý vẽ thêm tiện ích, dịch vụ không có thật. Chính cách làm chộp giật, ăn xổi đã gây ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực môi giới nói riêng và thị trường BĐS nói chung.