Làm nhang cũng lắm công phu
Nằm trên đường Mai Bá Hương, huyện Bình Chánh, TPHCM, cách trung tâm TPHCM hơn 30km về phía Nam, làng nhang Lê Minh Xuân là nơi kiếm sống của gần 150 gia đình. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió, nhiều hộ dân nơi đây vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển làng nghề gần một thế kỷ qua. Đây được xem là làng nghề lâu đời nhất TPHCM và còn là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ.
Có đến mới thấy, để tạo ra được một nén nhang thơm, là cả quá trình miệt mài của những người thợ, tùy vào công thức tinh chế, nhào trộn của mỗi gia đình mà người làm nhang tạo nên các loại hương đặc hiệu cho riêng mình, như hương trầm, hương quế, hương bách tùng. Đầu tiên phải trộn bột. Bột phải mịn, độ ẩm phải đạt yêu cầu. Màu sắc và hương thơm phải hài hòa - đây được xem là công đoạn chính của nghề làm nhang.
Mỗi nén nhang là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau. Tất cả nguyên liệu đó đều có nguồn gốc tự nhiên. Bột nhang chủ yếu làm từ mùn cưa của thân cây bầu dó hoặc là cây lồng mứt. Sau khi trộn, người thợ sẽ dùng chất keo của vỏ cây bời lời kết dính bột nhang, mang đi xe. Tùy loại bột mà giá 1kg nguyên liệu từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng 1kg nguyên liệu. Nếu như ở công đoạn trộn bột, cần phải đúc kết kinh nghiệm thì xe nhang đòi hỏi sự khéo léo, vì nếu nhang không đều và không chắc, khi phơi nhang dễ bị vỡ.
Ngày trước, nghề xe nhang tại đây được làm bằng phương pháp thủ công, chủ yếu xe bằng tay. Để hoàn thành một cây nhang phải mất nhiều công sức, tuy nhiên qua thời gian, với công nghệ hiện đại, máy phóng nhang được ra đời giúp việc làm nhang của người dân nơi đây bớt cực nhọc hơn. Từ đó, hình dáng cây nhang cũng tròn trịa hơn, năng suất tăng, thu nhập người dân dần cải thiện. Với thâm niên của mình, Trần Minh Hoàng chia sẻ, “Lúc trước làm tay cực lắm. Bột phải nhồi, dậm. Rồi mang đi xắt ra từng cục nhỏ, sau đó bỏ vào ống xe bằng tay nên rất chậm. Một ngày làm chỉ khoảng 10 thiên. Sau này có máy, ngày làm 50 - 60 thiên”.
Riêng công đoạn phơi nhang, một việc tưởng chừng dễ dàng hóa ra cũng vất vả không kém. Nếu trời mưa, bột nhang dễ bị rã, xem như cả mẻ nhang không thể sử dụng, còn nếu nắng không đủ to, nhang dễ bị xuống màu, không còn ánh vàng rực rỡ. Công việc này được xem là nghề chính của nhiều gia đình nhưng cũng có không ít hộ xem việc làm nhang như việc tranh thủ lúc rảnh rỗi, nông nhàn, để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của nghề mà cha ông để lại. Từ đứa trẻ cho đến những cụ già, ai cũng thuộc nằm lòng quy trình sản xuất các loại hương mang mùi thơm đặc trưng.
Vất vả là vậy, nhưng thách thức lớn nhất của việc làm nhang hiện nay vẫn là vấn đề ô nhiễm. Nguyên liệu chính để pha bột nhang là các loại mụn gỗ và gỗ thơm để tạo mùi. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, các cơ sở làm nhang hầu như mua các loại bột tạo hương pha sẵn về sản xuất. Xưởng pha bột thường xuyên được phủ một lớp bụi dày đặc. Ngoài ra, chân nhang cũng nhuộm đỏ, nhuộm vàng để có màu sắc bắt mắt hơn. Không rõ nguồn gốc các loại phẩm nhuộm như thế nào, nhưng quần áo, tay chân của những người thợ nơi đây lúc nào cũng nhuộm đầy những thứ màu này.
Vất vả giữ nghề
Phía xa, trong căn nhà lá chật hẹp, 6-7 máy phóng nhang đang hoạt động hết công suất. Chị Trần Thanh Tuyền (quê Kiên Giang) cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng nghề nhang. Cạnh chị là 2 đứa trẻ vô tư chơi đùa. Chị kể, nhà nghèo quá nên 3 mẹ con bồng bế nhau lên thành phố tìm kế sinh nhai. Thấy ở đây công việc cũng đủ sống, lại có chỗ ăn ngủ nên chị quyết định ở lại. Hiện đứa con lớn của chị cũng được nhận làm phơi nhang để phụ mẹ lo cho gia đình. Nói về bụi, hóa chất ở đây, chị cho biết: “Cũng có lo sợ nhưng vì miếng ăn cho các con nên đành bấm bụng mà chịu”.
Anh Nguyễn Nguyễn Xuân Long, một người làm nhang thuê lâu năm tại đây, chia sẻ: “Từ lúc bé, tôi đã được cha mẹ dạy cách làm nhang. Lúc ấy, trên mọi con đường vào làng, đi đâu cũng thấy sắc vàng và đỏ của nhang. Rồi không biết từ khi nào, mùi hương của nhang đã “ăn sâu” trong tôi. Lớn lên, tôi được ông bà truyền lại và gắn bó với nghề đến nay. Tuy yêu nghề, nhưng nghề làm nhang độc hại vô cùng vì suốt ngày phải tiếp xúc với bụi, mà đặc biệt là các loại bột hóa chất. Lắm hôm đi làm về, tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Nếu tiếp xúc bằng tay thì sẽ bị nổi mẩn ngứa, vô cùng khó chịu, nhưng trót yêu cái nghiệp này rồi, không bỏ được”.
Cơ sở làm nhang của chị Lê Cát Bụi Thúy, có quy mô lớn nhất ở làng nhang Lê Minh Xuân. Nơi đây có đến hơn 70 nhân công làm việc. Mỗi ngày cơ sở bỏ mối gần 1 tấn nhang khắp các tỉnh trong cả nước. Chị Thúy cho biết, cơ sở chị hoạt động hơn 20 năm nay. Ngoài mướn nhân công, chị còn giao nguyên liệu đến các gia đình làm nhỏ lẻ.
“Tôi thấy có nhiều người khó khăn, không có tiền mua máy nên giúp họ mua theo hình thức trả chậm. Ngoài ra, bà con có thể đến chỗ tôi lấy bột, tăm nhang mang về làm gia công. Công việc này thu nhập thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Là nghề truyền thống gia đình nên con cái ráng theo. Dẫu biết trong làm ăn phải chấp nhận “gối đầu” mới mong giữ được thương lái, nhưng có không ít trường hợp thương lái do vỡ nợ hoặc cố tình không trả, khiến người sản xuất nhang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và xoay vòng nguồn vốn”, chị Thúy chia sẻ.
Ở cơ sở của chị, nhân công nhận được bình quân mỗi tháng 4-6 triệu đồng. Tuy thu nhập không cao so với mức sống ở TPHCM, nhưng nhìn chung, nghề làm nhang đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Nhờ làm nhang mà nhiều gia đình có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con trong khu vực.
Rời làng nhang Lê Minh Xuân vào lúc xế chiều, hình ảnh những người thợ cần mẫn, khéo tay của làng nhang làm cho chúng tôi cảm động, bởi ngoài việc mưu sinh, họ vẫn lặng lẽ làm công việc lưu giữ một nghề thủ công truyền thống mang nét văn hóa tâm linh của dân tộc trong lòng một đô thị sầm uất như TPHCM…