Nỗi niềm Đồng Nai Thượng

Nỗi niềm Đồng Nai Thượng

(SGGP).- Đồng Nai Thượng là một xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Cát Tiên, được biết đến như là một trong những xã khó khăn nhất và nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng. Cứ mỗi khi hè về, lại có các bạn sinh viên tình nguyện Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) đến mảnh đất này để giúp trẻ học cái chữ, giúp dân sửa con đường, phát quang nương rẫy… Mùa hè này cũng vậy, 7 sinh viên ĐHĐL đã đến đây để tiếp bước hành trình tình nguyện mà nhiều lớp sinh viên đã đi qua.

Mùa hè ở vùng sâu

“Đường mùa này khó đi lắm đấy anh ạ”, đó là lời cảnh báo của những người từng đến Đồng Nai Thượng. Vì thế, chúng tôi phải nhờ bạn Đoàn Thị Hào (lớp Ngữ văn K30, năm ngoái đã tham gia chiến dịch sinh viên tình nguyện ở Đồng Nai Thượng) dẫn đường.

Trước khi lên đường, bạn Hào đã dặn dò chúng tôi mang tư trang gọn nhẹ mới vượt qua được chặng đường rừng 18km vào xã Đồng Nai Thượng. Hào còn cho biết, năm ngoái các bạn sinh viên tình nguyện (SVTN) phải đi bộ hơn 5 tiếng đồng hồ mới vào đến nơi vì trời mưa nhiều quá làm đường lầy lội, xe gì cũng không vào được. Rất may chúng tôi không gặp mưa, nhưng hai chiếc xe máy chở chúng tôi đã được lắp xích vào bánh vẫn ì ạch mãi hơn 2 giờ đồng hồ mới vượt qua được 4 đèo dốc cao từ xã Tiên Hoàng lên Đồng Nai Thượng.

Đường vào Đồng Nai Thượng.

Đường vào Đồng Nai Thượng.

Chúng tôi đến thôn Bù Gia Rá thì các bạn đội tình nguyện đang đi thăm các gia đình chính sách nhân ngày 27-7. Đồng Nai Thượng trước đây là căn cứ cách mạng nên toàn xã có tới 30% gia đình thuộc diện chính sách, việc thăm hỏi tặng quà các gia đình đó cũng là một trong những nhiệm vụ khi các bạn về tình nguyện nơi đây.

Gặp chúng tôi ở thôn Bê Đê, bạn nào bạn nấy cũng hồ hởi như gặp được người thân. Bạn Liên (lớp Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, đội trưởng đội SVTN) tâm sự: “Chúng em xuống đây đã hơn hai tuần nhưng chưa làm được nhiều việc lắm! Em thấy nơi đây rất khó khăn, rất cần được giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Sau khi cùng các bạn đi thăm một số gia đình chính sách nữa, chúng tôi cùng nhau cuốc bộ về nhà ông Điểu Ngọc Doa (Phó Bí thư xã Đồng Nai Thượng), ngôi nhà ông Doa mới xây cho con gái nay cho đội tình nguyện mượn để ở.

Bao quanh xã Đồng Nai Thượng là đồi núi. Người dân nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mạ và một số đồng bào dân tộc Cơ Ho, Tày mới chuyển tới, kinh tế khó khăn và còn nhiều hủ tục lạc hậu. Biết thế, các bạn SVTN đã tổ chức 3 lớp học cho hơn 40 em học sinh cấp 1 và cấp 2 trong xã. Mỗi tuần các bạn dạy 6 buổi sáng, buổi chiều và chủ nhật cho các em nghỉ ngơi và để các bạn soạn giáo án cho tuần tiếp theo.

Nhưng đa số các em học rất yếu nên phải giảng giải nhiều lần mới hiểu làm các bạn cũng có khi nản lòng. Bạn Vân (lớp Hóa học K32) chia sẻ: “Thấy các em rất cần mình giúp đỡ nên chúng em cố gắng tiếp tục giảng giải cho các em hiểu. Dạy học cho các em cũng giúp mình rèn luyện kỹ năng sư phạm đấy anh ạ”.

Ban đầu các em đến học rất đông nhưng về sau thưa dần. Hỏi ra mới biết các em phải ở nhà trông em, phụ giúp gia đình. Học tập các anh chị đi trước, các bạn đã đến từng nhà để vận động cha mẹ cho các em đi học. Có khi đến nhà các em thuyết phục mãi họ mới cho con đi học.

Cần lắm những tấm lòng tình nguyện

Trên đoạn đường từ thôn Đạ Cọ vào thôn Bù Gia Rá, có nhiều con suối chảy ngang qua đường rất nguy hiểm cho các em lúc đến trường. Còn những cây cầu thì đã mục gãy, xe ô tô không thể đi qua để chở hàng hóa vào xã. Đội tình nguyện liền vận động thanh niên trong xã xẻ gỗ làm 3 cầu mới giúp người dân đi lại thêm dễ dàng.

Ở Đồng Nai Thượng, người dân vẫn còn ăn lá bép, măng rừng. Vì vậy, đời sống của họ còn lạc hậu và khó khăn. Thế là đội tình nguyện phân công nhau làm những mô hình vườn rau xanh ở các thôn Binao, Bù Gia Rá, Bê Đê, Bù Sa… để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bà con.

Tổ chức vui chơi cho các em học sinh.

Tổ chức vui chơi cho các em học sinh.

Ngoài ra, các bạn còn vận động bà con dọn dẹp vệ sinh nơi ở, vận động kế hoạch hóa gia đình, tổ chức tuyên truyền bà con cách phòng chống các bệnh lây nhiễm… Lúc làm thì hào hứng, nhiệt tình nhưng sau đó lại băn khoăn, trăn trở. Bạn Liên nói: “Một số cán bộ xã cho biết, bà con chỉ làm theo đội tình nguyện khi bọn em còn ở đây thôi, nhưng bọn em đi rồi thì bà con lại làm như cũ! Giá những đợt tình nguyện này dài hơn để giúp ích cho bà con nhiều hơn”.

Không riêng gì Liên, cả những bạn SVTN đi trước đều có chung trăn trở như vậy. Đội tình nguyện của bạn Hào cũng làm những vườn rau như thế nhưng khi họ đi thì không còn vườn rau nữa vì cái bị bà con phá bỏ trồng điều, cái bị nước cuốn trôi.

Khi dẫn chúng tôi thăm lại những nơi đội từng làm vườn rau, Hào rất buồn vì ngay cả vườn rau các bạn trồng tại nhà anh Điểu K’Liễu (Phó Bí thư Đoàn xã) để làm điểm cũng đã bị anh phá bỏ để trồng cà phê. Theo anh Nguyễn Văn Huế (Phó Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên), đưa SV về tình nguyện ở Đồng Nai Thượng vào dịp hè là rất cần thiết, nhưng nếu muốn Đồng Nai Thượng thoát nghèo thì phải đưa đội trí thức trẻ tình nguyện về công tác nơi đây, bởi họ cần thời gian dài để đưa khoa học canh tác đến với người dân và giúp họ phát triển kinh tế. Thiết nghĩ, đó là việc cần làm sớm để phong trào tình nguyện thiết thực hơn cho những vùng sâu, vùng xa như Đồng Nai Thượng.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục