Theo khảo sát, phần lớn những người dân sinh sống ở các khu tập thể đều là những người có thu nhập thấp, một số người thuê nhà ở đây vì giá cho thuê rẻ hơn so với các khu chung cư mới. Bà Minh Nga, sinh sống tại khu tập thể Kim Liên chia sẻ, tuy rất lo lắng về tình trạng xuống cấp ở đây, nhưng do khó khăn về tài chính nên bà vẫn chưa có đủ điều kiện để có thể rời đi. Mấy năm trước, khi nghe tin xây dựng chung cư mới thay thế bà đã rất vui mừng, nhưng cuối cùng vì không có được sự đồng thuận của tất cả các hộ dân nên dần dần dự án cũng rơi vào bế tắc.
Anh Huy Bách, sinh sống tại khu tập thể Đại La cho biết, các khu chung cư cũ tiềm ẩn rất nhiều mối nguy do các hộ gia đình đều xây theo kiểu “chuồng cọp” để cải thiện diện tích. Việc thoát hiểm và bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ vẫn còn kém, chưa kể đến sự xuống cấp của tòa nhà nên rất nguy hiểm.
Một số người dân lại không muốn lại xa nơi đã gắn bó nhiều chục năm. Ông Hùng, sinh sống tại khu tập thể Đại La tâm sự, hàng xóm, láng giềng ở đây đều thân thiết, như người thân trong gia đình nên không ai muốn rời đi.
Hầu hết các hộ dân đều mong muốn các khu tập thể cũ sớm được cải tạo, xây dựng lại. Với những khu chung cư cũ đã có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, người dân mong Nhà nước, các chủ doanh nghiệp sớm có thông báo về chính sách tái định cư, chính sách đền bù, thời gian có thể quay lại sinh sống bình thường…
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, TP Hà Nội sẽ tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn và một số khu chung cư được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... Khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ đang thực hiện dở dang theo chủ trương thí điểm trước đây cũng sẽ có phương án, kế hoạch cụ thể để tiếp tục triển khai.