Vào những ngày cuối năm của khoảng đời xa xôi trước đây, tôi cũng từng theo chân mẹ đi bán hoa quả, rau trái vườn nhà ở khắp các nẻo đường làng. Tết khi ấy với đứa trẻ con như tôi là niềm vui khi được ở bên mẹ. Chỉ tiếc rằng mẹ đã lặng lẽ ra đi vào vài năm trước, sau những cơn đau kiệt cùng vì ung thư. Kể từ sau khi mẹ đi, tết với tôi chỉ còn là khái niệm thời gian.
Khi mường tượng đến những cái tết tuổi thơ, lòng tôi luôn tràn ngập nỗi nhớ. Nhớ về những hạnh phúc bình dị, nhớ cảm giác đoàn tụ của gia đình vào thời khắc giao thừa. Như bất kỳ đứa trẻ nào, bản thân tôi luôn cảm thấy háo hức vào mỗi dịp tết đến xuân về. Nỗi mong mỏi lớn nhất khi ấy là mẹ bán được thật nhiều hàng, để có tiền mua sắm ít quần áo và vật dụng cho chúng tôi vui tết.
Những dịp cuối năm, mỗi khi chắt chiu được ít tiền để dành, mẹ lại dắt chúng tôi đến cửa hàng quần áo ở đầu chợ, mua cho chị em chúng tôi mỗi đứa một chiếc áo sơ mi hoa, thêm vài chiếc quần đen, để dành cho các con xúng xính vào ngày tết. Bản tính trẻ con khiến chúng tôi cứ vô tư chọn lựa, bàn luận rôm rả mà không quan tâm đến mẹ chỉ có vài bộ quần áo nhàu nhĩ, sờn rách cả vai cũng chẳng nỡ vứt đi. Thế mới hay, sự hi sinh của cha mẹ dành cho con không gì có thể so sánh được.
Dẫu gia cảnh nhà tôi khá đơn chiếc nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng chuẩn bị một cái tết thật tươm tất. Cậu vì thương mẹ con tôi nên thường sang phụ giúp, chẻ sẵn những bộ củi chất ở góc sân để chuẩn bị cho nồi bánh đêm giao thừa. Chị em tôi, theo chân mọi người trong làng, đi hái lá dong về để dành cho mẹ gói bánh chưng từ trước ngày 20 tháng Chạp. Gạo và đỗ xanh cũng được mẹ chuẩn bị từ sớm. Những ngày giáp tết, khi việc học dần trở nên nhàn nhã hơn, tôi sẽ phụ mẹ rửa sạch lá dong rồi treo lên cho lá róc nước và héo bớt để dễ gói bánh.
Chuỗi ngày sắp tết là những ngày bận rộn với mẹ con tôi. Chị em tôi lăng xăng chạy qua chạy lại, lúc dưới bếp, khi trên nhà, ngoài vườn... để tiện cho mẹ sai bảo. Thú vị nhất là ngày 30 tết, mẹ sang nhà hàng xóm đụng thịt. Mấy chị em tôi cũng chạy sang tò mò nhìn con lợn được chia theo phần. Nhà nào cũng được phân phát đủ thứ từ con lợn.
Chờ đến khi có đủ phần thịt, mẹ sẽ bắt đầu gói bánh. Lá dong được mẹ tỉ mỉ xếp hai chiếc chồng lên nhau, ngoài to trong nhỏ, sau đó khéo léo cho gạo, đỗ, thịt rồi gói lại. Những chiếc bánh dài như đốt tre, gù lên ở giữa và được giàn thật chắc tay bằng những chiếc lạt dẻo...
Khoảng tầm hai ba giờ chiều, khi bà ngoại và mẹ hoàn tất việc gói bánh, nồi bánh được đặt lên bếp. Mẹ tôi thường tỉ mỉ chọn những thanh củi lớn để kéo dài thời gian nấu bánh.
Đêm 30 năm nào, bọn trẻ con chúng tôi cũng phập phồng hồi hộp đợi phút giao thừa. Tôi thường xin phép mẹ cho ngủ trong bếp để tiện trông coi nồi bánh. Kỳ thực, chẳng phải vì chăm chỉ muốn giúp mẹ mà do đứa trẻ khi ấy mê cái cảm giác được nằm cuộn mình trong chăn, bên dưới đặt chiếc chiếu trải trên rơm rạ êm êm.
Rồi thi thoảng, bản thân sẽ quay người nghiêng về phía bếp lửa để lắng nghe nồi bánh to đùng sôi ùng ục, khẽ khàng xoa đôi bàn tay lạnh giá để cảm nhận cái ấm nóng lan tỏa từ ánh lửa bập bùng. Tôi khi ấy luôn có cảm tưởng cho dù ngoài kia, đêm xuân có lạnh đến đâu chăng nữa thì chị em chúng tôi chỉ cần ngồi quây quần bên nhau, cũng đủ cảm thấy ấm áp và sum vầy. Khi đồng hồ điểm đến 12 giờ đêm cũng là lúc tiếng pháo đón giao thừa nổ rền vang khắp nơi, náo nức và xốn xang lạ thường. Mẹ tôi lặng lẽ đứng thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên đầy nghiêm trang thành kính. Tiếng pháo kéo dài hàng tiếng đồng hồ rồi mới thưa thớt dần và dứt hẳn. Ba ngày tết qua đi nhanh chóng để đọng lại trong lòng những đứa trẻ dư âm và sự tiếc nuối, nao lòng chờ mong tết sớm quay trở lại.
Nhiều năm trôi qua, chúng tôi giờ đã lớn khôn, mải mê với cuộc sống của riêng mình. Mẹ tôi đã lặng lẽ viễn du về nơi xa, căn nhà cũ ở quê cũng chẳng còn. Tết của thời hiện đại vốn dĩ đầy đủ hơn nhưng không phải ai cũng mặn mà với việc gói bánh, cũng chẳng còn cảnh đụng thịt... Trẻ con bây giờ có lẽ cũng rất ít những kỷ niệm đậm sâu về tết. Nhưng với những ai đã từng trải qua khoảng đời tuổi thơ đầy ắp những nỗi niềm, tết vẫn mãi là biết bao nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi.