Đó lớp học tình thương của bà giáo già hàng chục năm chèo đò đưa bao thế hệ học trò thiệt thòi cập bến thành công. Hay Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà may mắn, hơn 25 năm qua đã cưu mang, giáo dưỡng bao trẻ mồ côi, người khuyết tật, giúp họ tự tin hòa nhập cuộc sống.
3 giờ chiều một ngày cuối năm, tại phòng hòa nhập của Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà may mắn (quận Bình Tân) tiếng những chiếc máy may đang chạy đều. Anh Ngô Công Khanh (45 tuổi, quê Tiền Giang) bị liệt 2 chân cùng những đồng nghiệp khuyết tật khác đang tỉ mẩn ghép từng mảnh vải để tạo hình chú heo xinh xắn.
Bị liệt 2 chân trong một lần đi đánh cá cách đây 25 năm, kể từ đó anh Khanh sống phụ thuộc vào gia đình. Túng quẫn và cảm thấy bản thân vô dụng, anh tự tử mấy lần nhưng không thành. Biết về Nhà may mắn, hơn 20 năm trước anh tìm đến đây và gắn bó đến nay. Anh coi đây là ngôi nhà thứ hai và là nơi giúp sức để anh bước tiếp trong cuộc đời. “Nếu không đến đây thì có lẽ tôi vẫn là người vô dụng. Giờ tôi có nghề may, mỗi tháng thu nhập 5 - 7 triệu đồng, chắt chiu cũng đủ nuôi con gái và gửi về biếu mẹ già ở quê”, anh Khanh chia sẻ.
Anh Khanh là một trong số hơn 100 người khuyết tật được Nhà may mắn hỗ trợ nơi ở và việc làm tại chỗ. Theo bà Trương Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Nhà may mắn, nơi đây đang đào tạo 5 ngành nghề, gồm: may, vẽ, làm đá quý, làm bánh tây và tin học.
“Tùy theo sức khỏe, dạng tật và sở thích, các bạn sẽ được chọn học nghề phù hợp. Mong muốn của chúng tôi không chỉ giúp các bạn nơi ăn, ở khang trang mà phải dạy nghề, tạo việc làm để các bạn hòa nhập xã hội, lấy đó làm động lực sống”, bà Kim Chi cho biết. |
Lớn lên từ Nhà may mắn, năm nay, em La Văn Thành hiện là sinh viên năm 2 Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Thành chia sẻ: “Con mồ côi, từ nhỏ đã chịu nhiều cơ cực cho đến khi được đến sống với mẹ Tim và mọi người. Những lời dạy bảo, cái ôm vỗ về của mẹ khi con buồn tủi, đau bệnh đã giúp con thêm động lực cố gắng học hành để trở thành người có ích”.
Mẹ Tim mà Thành nhắc đến là bà Aline Rebeaud (người Thụy Sĩ), người sáng lập nên Nhà may mắn. Với mọi người, mẹ Tim luôn dành những gì tốt đẹp nhất từ cử chỉ, lời nói đến những việc làm trong chăm sóc, dạy bảo, xây dựng cơ sở vật chất khang trang để “các con” của mình có môi trường sống thật thoải mái.
“Đến giờ này tôi vẫn xao xuyến khi nhắc đến Anline Rebeaud của 25 năm trước, một cô gái mới hơn 20 tuổi, không bị khuyết tật, không mang trong mình dòng máu Việt, nhưng bằng trái tim nhân hậu, đã đem đến cho người kém may mắn một ngôi nhà chung, ngôi nhà của những điều kỳ diệu”, bà Kim Chi bày tỏ.
Niềm vui, hạnh phúc của mẹ Tim, bà Kim Chi chính là thấy các em trưởng thành, có việc làm ổn định và lập gia đình, sinh con. “Năm mới hơn 30 tuổi, cô Tim đã ngồi bàn sui gia và lên chức “bà ngoại”. Đó là hạnh phúc của chúng tôi”, bà Kim Chi không giấu niềm vui.
Thầm lặng đưa đò
Tại một căn phòng nhỏ khác của Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng phường 9, quận Phú Nhuận, tiếng của gần 20 đứa trẻ chào cô giáo vang lên rộn ràng. Nếu chỉ nghe tiếng chào thôi thì sẽ tưởng là lớp học ở ngôi trường khang trang nào đó, thế nhưng đây lại là lớp học tình thương với học trò là đủ lứa tuổi, nhỏ, lớn khác nhau, đứa áo trắng quần xanh, đứa còn mặc bộ đồ ở nhà. Phía trên bục giảng, bà giáo già Nguyễn Thị Oanh Loan (65 tuổi) hết giảng chương trình lớp 2 lại quay sang giảng chương trình lớp 3. Thấy trò này đã hiểu, bà quay sang kèm em khác.
Vốn là hiệu trưởng của một trường mầm non, vì lý do sức khỏe, bà Loan nghỉ hưu sớm. Thế nhưng, “nghiệp đưa đò” chưa dứt, năm 1993, một lần nhận lời dạy giùm người bạn tại lớp học tình thương mà bà Loan chính thức “đóng hụi chết” với lớp từ đó đến nay. Suốt 26 năm, bà đã cầm tay biết bao học trò để dạy viết từng nét chữ đầu tiên, tính từng phép tính đơn giản nhất, nhưng nhiệt huyết thì vẫn như ngày đầu.
“Tụi nhỏ ở đây đứa nào cũng đáng thương, đứa thì gia đình nghèo quá nghèo, đứa thì có cha thiếu mẹ, đứa có mẹ thiếu cha. Nhiều đứa cha mẹ đi vào con đường lầm lỡ hoặc đi biệt tăm không ai biết, phải ở với ông bà già yếu. Thương tụi nhỏ bị thiệt thòi nên tôi cứ bám lớp, hết lứa này đến lứa khác, riết rồi quen luôn, không lên lớp thì nhớ bọn trẻ vô cùng”, bà Loan tâm sự. |
Lớp tình thương của bà Loan dạy kiến thức từ lớp 1 - 3. Kết thúc 3 năm học, bà lại viết từng lá đơn xin chuyển học trò về học những lớp tiếp theo tại Trường phổ cập Nguyễn Đình Chính, cũng là nơi bà đứng lớp mỗi tối. Nhìn học trò người ta được học tiếng Anh, vi tính, bà cũng đi vận động mấy dàn máy vi tính, kết nối với các sinh viên, tình nguyện viên người nước ngoài để dạy Anh văn, vi tính cho đám học trò nhỏ của mình.
Đến nay, bà giáo Loan không nhớ mình đã dìu dắt bao đứa trẻ trưởng thành, chỉ biết rằng có không ít học trò được bà vận động các mạnh thường quân đỡ đầu nay đã học xong đại học, trở về hỗ trợ bà dạy các em nhỏ, giúp các em có điều kiện thực hiện ước mơ tới trường.
“Chị em con bé Cẩm Tiên, Như Phúc, Trà My… giờ đứa thành diễn viên múa, đứa học kế toán, đứa học sư phạm. À, thằng bé Thanh Xuân nhỏ thó ngày nào, giờ đã thành hướng dẫn viên du lịch, còn được nhận học bổng đi học ở nước ngoài nữa. Hạnh phúc của tôi không quá lớn, chỉ cần nhìn tụi nhỏ lớn lên và trưởng thành như vậy là tôi vui rồi”, bà Loan vui mừng khoe.
Cho đến hôm nay, cuộc sống hàng ngày của bà Loan gắn gần như trọn vẹn với tụi nhỏ, 7 giờ sáng dắt xe ra khỏi căn phòng trọ nhỏ, 9 giờ tối mới trở về. Mỗi vòng xe lăn trên phố lại đưa bà Loan đến lớp, đến với học trò và đó cũng là vòng xe đưa những đứa trẻ thiếu may mắn chạm gần hơn với ước mơ của mình.