Nơi nào đó để trốn nỗi buồn

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp những cái chết của trẻ vị thành niên khiến xã hội sửng sốt. Dù thực tế, chuyện những cô bé, cậu bé tuổi vị thành niên tìm đến cái chết không còn hiếm trong xã hội bây giờ. Nguyên nhân trầm cảm được truy tìm đủ hướng: áp lực học hành, thi cử, áp lực từ gia đình, không được cha mẹ chia sẻ… 

1. Cách đây vài năm, hàng xóm nhà cha mẹ tôi có một cậu nhỏ giận mẹ bạt tai mình mà nhảy xuống sông Lam. Cha tôi là một trong những người đàn ông trong xóm đi tìm và đón xác em về. Cha kể, ngay khi nhìn thấy xác con là mẹ cậu ngất xỉu. Cha mẹ cậu chia tay vì không chịu được áp lực giày vò nhau sau cái chết của con. Người cha bỏ đi, chẳng lâu sau, người mẹ cũng đi xuất khẩu lao động vì không thể sống trong căn nhà gợi nhiều đau thương như thế.

Bên con và trở thành chỗ dựa cho con, cũng là một cách để trẻ có thêm điểm tựa bước vào đời. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tuổi thanh thiếu niên của tôi không vắng những nỗi buồn. Từ nỗi buồn bị cha mẹ đánh, mắng, nỗi buồn thi trượt, nỗi buồn thất tình… đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố. Có lần bị cha đánh một roi (là roi duy nhất cha đánh tôi trong đời), tôi đã lì lợm không khóc, mở to mắt nhìn cha và lạnh lùng dắt xe đạp ra đi với một ba lô đựng một vài bộ đồ, ít sách vở. Lúc ấy tôi chủ quan nghĩ, lo gì chết đói, mình sẽ đi để cha hối hận…


Nhưng tôi chẳng nghĩ ra có thể đi đâu vào giờ chập choạng tối ngoài đạp xe về nhà ông chú ruột của mẹ. Đến nhà ông bà thì nỗi buồn của tôi cũng đã vơi đi gần hết. Vài tiếng sau cha đạp xe đến tìm. Tôi có lý do chính đáng để quay về nhà, dĩ nhiên không hé răng kể cho cha mẹ nghe ý tưởng bỏ nhà đi của mình. 

Đó là chuyến “đi trốn nỗi buồn” đầu tiên của tôi. 

Về sau, những khi gặp nỗi buồn, tôi chọn cho mình cách đạp xe bỏ đi đâu đó. Thường sẽ có thêm đứa bạn hợp khẩu để trò chuyện. May mắn ở quê có bao điểm dừng chân thú vị để “tiêu” hết nỗi buồn. Đi đến đê Hưng Hòa ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu gặm cỏ, nhìn những đóa xấu hổ tím hồng ven đê, ngắm nắng chiều lấp loáng trên mặt sông Lam, nỗi buồn trôi theo sóng nước. Đạp xe đi Cửa Lò nghịch sóng biển, hét như những đứa khùng ngoài bờ biển vắng… Và thường thì sau một buổi lang thang đâu đó, nỗi buồn đã vơi đi nhiều lắm rồi.
 
2. Những ngày xưa cũ hơn, khi tôi biết bỏ đi đâu đó trốn nỗi buồn, là khi tôi có thể thu mình trong chính góc nhỏ của mình. Ở trong căn nhà nhỏ của cha mẹ, góc nhỏ đầu tiên của riêng tôi là một cái gác xép bằng gỗ xẻ. Loại gỗ bạch đàn nham nhám, do chính các chú trong cơ quan của mẹ cưa, xẻ làm cho. Trên gác xép ấy có một kệ sách đủ thể loại sách học thêm, thơ ca, tiểu thuyết, có bóng đèn điện vàng tỏa màu ấm áp… Món đồ đắt giá nhất trong nhà tôi cũng để trên gác xép chật chội ấy. Đó là bộ dàn Sony cha tôi gửi từ nước Đức về trong những ngày đi xuất khẩu lao động.

Bộ dàn ấy từng có giá trị rất lớn (có lẽ lớn ngoài sức tưởng tượng một đứa trẻ gia đình lao động nghèo như tôi). Mẹ nói, có thể đổi được một miếng đất ngoại thành nếu khi “đập hộp” bán ngay bộ dàn ấy đi. Nhưng mẹ giữ lại vì đó là kỷ niệm của cha. Cả nhà, tôi là đứa duy nhất thích nghe nhạc nên bộ dàn được mẹ cho phép khiêng lên gác xép. Tôi nghe đến thuộc lòng những băng đĩa Hương Lan, cô lái đò Bến Hạ, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc… mà cha gửi về. Về sau, tôi thường đi bộ ra những cửa hàng băng đĩa nhạc bên hông nhà thiếu nhi Tenlơman thuê chép vào từng cuộn băng những bài hát theo ý mình. Có cuộn băng nghe đi nghe lại đến phát nhão. Nghe nhạc thú vị nhất là khi buồn; càng thú vị hơn khi mở nhạc hơi lớn còn có thể khóc nấc lên mà không ai hay biết. Tôi đã có người bạn vô tri đi bên mình, giúp mình đi qua những buồn phiền của tuổi ẩm ương như thế.

Mãi sau này, hàng chục năm gặp lại, những người chị từng chui lên gác xép của tôi ngồi buôn chuyện suốt những buổi chiều vẫn nhắc về gác gỗ nhỏ ấy. Nơi có sách và nhạc, có những đóa hoa nho nhỏ các chị tặng cắm bên kệ gỗ. Nơi chúng tôi cùng nhau đi qua những nỗi buồn.

3. Chẳng có ai hoàn toàn giống nhau trong đời này. Và vì thế, những niềm đau nỗi buồn cũng không thể giống nhau. Những khi đọc tin một cô bé, cậu bé nào đó vừa ra đi, chọn cái chết để kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình, tôi không đặt sự trách móc vào những áp lực người ấy phải chịu từ cuộc sống, học hành, áp lực từ cha mẹ… bởi chính bản thân mỗi người trong cuộc mới hiểu rõ nhất về hoàn cảnh của mình, mọi phán xét đều vô nghĩa.

Tôi chỉ tự hỏi rằng, em ấy có nơi nào đó không, dù bé nhỏ thôi để trốn mình vào, bước qua những nỗi buồn?

Tin cùng chuyên mục