Chiều tối 17-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu.
Liên quan đến việc đeo khẩu trang, các quận huyện đều ra quân; trong giai đoạn đầu nhắc nhở rồi xử phạt. Có 66 trường hợp nhắc nhở và 485 trường hợp bị phạt với số tiền hơn 931 triệu đồng. TPHCM đã triển khai 69 chốt tuần tra (12 chốt tuần tra cấp TP, 57 chốt tuần tra cấp quận huyện) kiểm tra 3.088 lượt và chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Thông tin tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, toàn bộ 69 chốt kiểm soát tại TPHCM được triển khai từ 0 giờ ngày 15-5. Mỗi ngày các chốt kiểm tra 12.500 phương tiện, 28.500 lượt người. Hầu hết người dân đồng tình chủ trương để TPHCM được an toàn và đã chấp hành tốt. Tất cả 12 chốt TP và 57 chốt quận, huyện đều đã triển khai tốt. Các đơn vị sẽ nhắc nhở trong 3 ngày đầu triển khai để người dân biết và chấp hành, sau đó sẽ tiến hành xử phạt theo quy định đối với những trường hợp không đeo khẩu trang.
Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến nay, TPHCM ghi nhận 270 trường hợp mắc Covid-19, hiện 256 trường hợp đã điều trị khỏi, đang điều trị 14 bệnh nhân mới tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Hiện sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng chuyển nặng.
Mới đây, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang chuyển lên với chẩn đoán Covid-19 viêm phổi bội nhiễm, tràn khí màng phổi phải, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2.
Hiện tại bệnh nhân đang thở máy, sử dụng ECMO, kháng sinh phổ rộng, tình trạng hiện tại tổn thương đông đặc 2 phổi, chức năng phổi chỉ còn 10% đến 20%, xét nghiệm còn dương tính với SARS-CoV 2; tiên lượng rất nặng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã hội chẩn với Tiểu Ban điều trị Covid-19 quốc gia để thống nhất về chẩn đoán và phương pháp điều trị.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, từ ngày 12-5 đến nay, ngành y tế TPHCM tăng cường giám sát nguy cơ dịch bệnh trong bệnh viện bằng xét nghiệm tầm soát và đã lấy mẫu xét nghiệm cho 77.668 người. Trong đó, 50.962 mẫu là nhân viên y tế (37.052 mẫu âm tính, 13.910 mẫu chờ kết quả); 29.770 mẫu là thân nhân người bệnh (22.738 mẫu âm tính, 7.050 mẫu chờ kết quả).
Từ ngày 30-4 đến sáng 17-5, ngành y tế TPHCM tiến hành lấy 33.002 mẫu tại các khu vực nguy cơ cao (chợ, trung tâm thương mại, cơ sở vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú công nhân, khu dân cư, khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo...), trong đó 31.318 mẫu âm tính và 1.684 mẫu đang chờ kết quả.
Từ ngày 3-5 đến nay, TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện giám sát người về từ các tỉnh, thành phố khác sau dịp lễ 30-4 và 1-5, thực hiện lấy 5.348 mẫu ngẫu nhiên các hành khách tại sân bay trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch, có nguy cơ, trong đó 4.640 mẫu âm tính, 708 mẫu chờ kết quả; 230.590 người về tại các tỉnh khác, người dân trong cộng đồng, người lao động tại các cơ quan đơn vị khai báo, trong đó có 738 người liên quan trực tiếp đến các địa điểm có ca bệnh theo thông báo của Bộ Y tế đã được lầy mẫu xét nghiệm (730 mẫu âm tính, 8 mẫu chờ kết quả); 4.100 nhân viên y tế từ các tỉnh về thành phố, đã lấy mẫu xét nghiệm 3.358 người, tất cả đều âm tính.
Hiện TPHCM đang cách ly tập trung trong ngày cho 4.222 người, cách ly y tế người nhập cảnh có bệnh lý 5 người tại các bệnh viện của TPHCM và cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong ngày cho 553 người.
TPHCM đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đợt 2 (từ ngày 19-4 đến ngày 15-5), thực hiện tiêm 63.836 mũi (55.236 người tiêm mũi 1; 8.600 người tiêm mũi 2), gồm 59.525 mũi cho nhân viên y tế, 4.311 mũi cho nhân viên tại sân bay, cảng biển và các khách sạn thực hiện cách ly tập trung. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo đõi chặt chẽ, hiện có 1 trường hợp sốc phản vệ, còn lại tất cả đều ổn định.
Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp nhận vaccine từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế và tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đợt 3 cho các đối tượng ưu tiên (trong đó sẽ tiêm 55.166 mũi 2 cho các đối tượng được tiêm đợt 2).
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM trong 20 ngày qua chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm cộng đồng liên quan đến ca bệnh ở Hà Nam về TPHCM, nhưng nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tại cuộc họp Ban Thường trực Thành ủy diễn ra chiều 17-5, đồng chí đã báo cáo công tác phòng chống dịch và những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể trong thời gian qua. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 10 ngày 5-5-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Quán triệt tinh thần đó và để giữ vững thành quả trong công tác phòng chống dịch, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các sở-ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy về công tác phòng chống dịch.
“Phòng chống dịch phải từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch với tinh thần kết hợp, hài hòa và hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công. Lấy tấn công là chính, trong đó đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết. Lấy hạnh phúc người dân, sức khỏe người dân là hàng đầu”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và yêu cầu, từng cơ quan, đơn vị phải chủ động hoàn chỉnh phương án, kịch bản, để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình hướng trong phạm vi chức năng, quyền hạn và địa bàn quản lý. Thực hiện tốt công điện của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, các bệnh viện hiện nay cũng là tuyến đầu trong phòng chống dịch, Sở Y tế phải yêu cầu từng giám đốc bệnh viện trình bày phương án phòng chống dịch cụ thể bằng văn bản. Bởi, nhiều bệnh viện của TPHCM có nhiều người từ các địa phương khác đến khám và điều trị, nếu có trường hợp nào đó sẽ lây lan đến các địa phương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 không được rời TP, luôn “trực chiến”, sẵn sàng phòng chống dịch. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của các quận-huyện khi TPHCM triệu tập cuộc họp đột xuất vào sáng 30-4 và 3-5 đều đã có mặt đông đủ.
“Sự nỗ lực của các đồng chí góp phần rất lớn trong thành quả phòng chống dịch của TP vừa qua”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và yêu cầu, UBND phường xã, thị trấn công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh các trường hợp không chấp hành các quy định phòng chống dịch; khẩn trương kiện toàn các đội tuần tra, giám sát phòng chống dịch và giải tán các trường hợp tụ tập trên 30 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị định kỳ hậu kiểm công tác phòng chống dịch trên địa bàn, các lĩnh vực phụ trách theo các bộ chỉ số tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch đã được ban hành.
“Kiên quyết đình chỉ và rút giấy phép các cơ sở vi phạm quy định phòng chống dịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác phòng chống dịch của từng cơ quan, đơn vị. Nơi nào để xảy ra dịch bệnh do chủ quan lơ là, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM. Chỉ đạo, kiểm soát dịch bệnh trên đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Đặc biệt, phát huy vai trò các tổ nhân dân, tổ Covid-19 cộng đồng; vận động người dân đến nơi có ca bệnh phải khai báo y tế”, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, các doanh nghiệp cần phải ký kết giữa chính quyền địa phương, tổ công đoàn trong phòng chống dịch. Nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết, cho ngừng hoạt động; việc ký cam kết nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp, bảo vệ cho sản xuất và bảo vệ người lao động.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ TP kích hoạt lại Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch tại UBND TP.
Phối hợp Sở Y tế TP tham mưu UBND TPHCM áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, trong đó truy vết ca nhiễm, quản lý các đối tượng cách ly tại nhà, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang trích xuất từ camera…
Ban Quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao TP nâng mức kiểm soát sàng lọc dịch bệnh ở mức cao nhất.
Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, kiểm tra đánh giá, cập nhật bản đồ an toàn Covid-19, nếu chưa an toàn phải dùng hoạt động để chấn chỉnh, chỉ được hoạt động khi đảm bảo an toàn.
Đồng thời khuyến cáo, vận động doanh nghiệp quy mô lớn nên có thiết bị nhận diện khuôn mặt để tầm soát dịch bệnh Covid-19. Nếu được, thành lập tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp.