Có một địa điểm không chỉ người dân thành phố mà du khách từ các tỉnh thành, thậm chí là người nước ngoài cũng đều quen thuộc, đó là Đường sách TPHCM. Bởi lẽ, 7 năm trôi qua là chừng ấy thời gian đường sách gắn bó với người dân, đặc biệt là những người yêu sách. Cho đến lúc này, đây vẫn được xem là mô hình đường sách thành công nhất và mô hình Đường sách TPHCM cũng đã được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành. Nhưng có lẽ, với những người yêu thích đọc sách, yêu những trang giấy còn thơm mùi mực, thì điều quan trọng nhất là có một nơi lý tưởng để đọc sách.
Vì tính chất công việc nên hầu như tuần nào tôi cũng có mặt tại Đường sách TPHCM. Hiếm có nơi nào mà bạn vừa có thể tìm mua những cuốn sách mới phát hành, lại vừa tìm được những cuốn sách cũ, thậm chí là sách quý hiếm đã nhuốm màu thời gian. Đôi khi, trong một sự tình cờ còn gặp được cuốn sách mà mình tìm kiếm lâu nay.
Khi đã chọn cho mình được một cuốn sách ưng ý, bạn có thể chọn một băng ghế hoặc ghé vào một quán cà phê nào đó, rồi chậm rãi đọc sách. Không quá lời khi gọi Đường sách TPHCM là nơi đọc sách lý tưởng bậc nhất ở Sài Gòn. Bởi, trong lúc bạn đang chăm chú vào những trang sách thì phía trên là tán me xanh mướt, lâu lâu lại có vài lá me rơi xuống đậu lên tóc, lên sách. Trước kia, khi Nhà thờ Đức Bà chưa tiến hành tu sửa, thỉnh thoảng bạn còn được nghe tiếng chuông vang lên. Bình thường, một âm thanh đột ngột chen ngang có thể khiến người yêu sách khó chịu, nhưng lạ thay, tiếng chuông nhà thờ lúc trầm lúc bổng khi ấy lại khiến bạn không thôi thổn thức, lắng mình theo tiếng chuông ngân dài.
Trong xu thế chung, nhiều nhà sách truyền thống tại TPHCM như Fahasa, Phương Nam, Hải An… đã được cải tạo để tăng thêm nhiều trải nghiệm cho bạn đọc. Không chỉ đầu tư vào không gian, các nhà sách còn ứng dụng công nghệ giúp việc tìm và mua sách trở nên dễ dàng hơn. Và đặc biệt, tại các nhà sách này còn có hẳn quầy đọc riêng, được sắp xếp ở một vị trí yên tĩnh, ít người qua lại gây ảnh hưởng đến việc đọc. Bạn đọc có thể lấy sách mà chưa cần phải tính tiền, rồi đến ngồi đọc tại chỗ. Đọc xong, nếu thích thì mua hoặc có thể trả về vị trí cũ. Có lần, tôi hỏi giám đốc một nhà sách: “Việc đọc sách thoải mái như vậy liệu có ảnh hưởng đến kinh doanh của nhà sách?”, anh cho biết: “Có sao đâu em. Mình mang đến sự thoải mái cho họ, để họ còn quay lại với mình nhiều lần nữa mà”. Câu trả lời của vị giám đốc khiến tôi liên tưởng đến tính cách hào sảng, nghĩa tình của người phương Nam từ bao đời nay.
So với các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… TPHCM là nơi có nhiều quán cà phê nhất. Từ những quán cà phê được nhượng quyền, mang thương hiệu của nước ngoài đến những quán cà phê nhỏ với rất nhiều cái tên khác nhau. Từ những nơi có vị thế sầm uất, người qua kẻ lại cho đến những hẻm nhỏ yên tĩnh, nơi đâu bạn cũng có thể bắt gặp một quán cà phê. Đây cũng chính là nơi chốn mà những người yêu sách thường lui tới. Và đương nhiên, để phù hợp cho việc đọc sách, người yêu sách thường chọn những quán cà phê yên tĩnh, có không gian thân thiện. Khác với một số nơi, ở Sài Gòn, bạn chỉ cần gọi một ly cà phê vài chục ngàn là đã có được một chỗ ngồi đọc sách từ sáng đến chiều, còn được phục vụ nước trà mà không sợ những cái liếc nhìn kém thiện cảm.
Sài Gòn đất chật người đông nhưng không thiếu công viên với Tao Đàn, Gia Định, Văn Lang, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng… Đây cũng là nơi lý tưởng với những người yêu sách. Ngoại trừ những ngày mưa, ngày trời đẹp người yêu sách lại ra công viên, thả mình vào những trang sách giữa không gian đầy màu xanh, gió mát lành. Niềm vui của những người yêu sách, đôi khi chỉ cần như vậy!