Để dễ hình dung, số tiền thu vượt dự toán đủ để làm thêm 8 tuyến metro cho Hà Nội và TPHCM, hoặc thừa để xây toàn bộ sân bay Long Thành (với công suất 100 triệu hành khách/năm), hoặc đủ để làm đường sắt tốc độ cao đoạn từ TPHCM đi Nha Trang (chiều dài 370km, tốc độ 250km/giờ, khổ 1,435m).
Kết quả đáng kinh ngạc trong thu NSNN thể hiện ở tất cả các khoản thu, lĩnh vực thu, với thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán và thu ngân sách địa phương vượt tới 20,4%. Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài quốc doanh đều vượt dự toán. Điều này cho thấy tính bền vững của thu NSNN năm 2022.
Thành tích thu NSNN năm 2022 càng đặc biệt ấn tượng khi hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 233.500 tỷ đồng.
Nhìn vào kết quả thu NSNN năm 2022 của từng địa phương, chúng ta còn nhìn thấy sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Nổi bật nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu vượt lên trở thành tỉnh có số thu ngân sách trên đầu người cao nhất cả nước (95,6 triệu đồng/người), cao gấp 1,83 lần TPHCM (52,3 triệu đồng/người). Lần đầu tiên Hà Nội có số thu nội địa ngang với TPHCM (cùng khoảng 307.500 tỷ đồng).
Tổng số thu ngân sách trên địa bàn của TPHCM cao hơn Hà Nội là từ hoạt động xuất nhập khẩu, từ dầu thô và từ viện trợ (xuất nhập khẩu thu nhiều hơn 120.000 tỷ đồng, dầu thô thu nhiều hơn 13.300 tỷ đồng). Cũng trong năm nay, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu gia nhập nhóm tỉnh/thành phố có số thu ngân sách trên 100.000 tỷ đồng… Đặc biệt, 23 tỉnh đã tự cân đối được ngân sách, tăng thêm 5 tỉnh, thành phố so với trước đại dịch Covid-19, trong đó có 12 tỉnh miền Bắc, 5 tỉnh miền Trung, 6 tỉnh miền Nam.
Có ý kiến cho rằng, kết quả thu NSNN năm 2022 vượt xa dự toán một phần do dự toán thu đầu năm chỉ 1.411.700 tỷ đồng, thấp hơn cả số thu đã thực hiện năm 2021 là 1.568.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản dẫn đến kết quả thu NSNN năm 2022 chính là sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ấn tượng, với tốc độ lên tới 8%, đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và niềm tin kinh doanh tăng mạnh trở lại (doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên trên 200.000 doanh nghiệp, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2021)…
Thực tế trên cho thấy, điều quan trọng nhất trong chính sách tài khóa nói chung, thu NSNN nói riêng năm 2023 cần phối hợp đồng bộ hơn nữa với chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4,5%.
Mục tiêu thu NSNN 1.620.744 tỷ đồng như dự toán năm 2023 hoàn toàn có thể đạt và vượt, song điều hành thu NSNN nên chủ động và linh hoạt hơn nữa theo hướng nới lỏng trong chính sách thu NSNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua thách thức từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, từ gia tăng chi phí các yếu tố đầu vào, kể cả chi phí tài chính khi phải đối mặt với những khó khăn từ sức mua trên thị trường quốc tế lẫn trong nước.