1. Độ khoảng chục ngày nay, vừa đến giờ nghỉ trưa, chị Quỳnh, đồng nghiệp của tôi, lại vơ vội chiếc túi xách rồi phóng như bay ra khỏi phòng. Để ý thấy, dạo này chị rất mệt mỏi, tâm trạng có vẻ nhiều lo âu. Chị em trong phòng gặng hỏi, mãi chị mới chia sẻ chuyện gia đình.
Chị Quỳnh kể, bữa trước có việc ghé nhà mẹ ruột, chị thấy mẹ ngất xỉu ngay phòng khách, may không quá nghiêm trọng nhưng bác sĩ dặn không được chủ quan. Từ dạo đó, chiều đi làm về, chị thường đảo qua nhà mẹ xem cơm nước thế nào rồi mới về nhà mình. “Vài ba hôm thì không sao, đi hoài bà nội sắp nhỏ cũng khó chịu. Dù gì bà cũng lo cơm nước, trông nom bọn trẻ cả ngày, dâu con lại đi tới tối mới về, không khó chịu mới lạ”, chị Quỳnh tự phân trần.
Ngày trước chị Quỳnh vẫn tự hào là con một, được ba mẹ chăm chút không thua kém bạn bè. Nhưng sau này, niềm tự hào ấy bị thế chỗ bởi muôn vàn lo toan. Ba mất, mẹ sống một mình, chị vừa lo nhà chồng, con cái, vừa nhấp nhổm mình mẹ ở nhà. Mẹ càng lớn tuổi, nỗi lo càng tăng lên. Chiều tan sở không tranh thủ được thì chị tranh thủ giờ nghỉ trưa ghé mẹ, đặng nhà cửa đỡ hiu quạnh. Quãng đường từ công ty ở Bình Thạnh về nhà mẹ chị tận quận 11 không gần, nhưng đành vậy.
Chuyện vui buồn, chăm nom cho mẹ đỡ hiu quạnh có thể bữa được, bữa bận quá thì thôi, không sao. Nhưng như hoàn cảnh nhà anh Hoàng Vũ đúng là căng thật. Anh Hoàng Vũ là con một, chị Bích Kiều (vợ anh Vũ) cũng con một. Bình thường không sao, hiếm con, hiếm cháu, ông bà nội, ngoại lại dồn cả tình thương cho con bé nhà anh Vũ. Thế nhưng nhà có việc, rồi ông bà lớn tuổi, đau bệnh, anh chị mới thấm cảnh con một. Vợ chồng anh Vũ ở cùng ba mẹ chồng tại quận Gò Vấp, nhà ngoại ở quận Bình Tân. Ngày trước, cuối tuần vợ chồng ôm con về ngoại chơi, tuần nào bận thì ông bà lại chạy xe đến thăm cháu.
Cách đây không lâu, bà ngoại tụi nhỏ phát bệnh, phải vào bệnh viện điều trị dài ngày. Chị Kiều và anh Vũ sấp ngửa xuôi ngược mới sắp xếp được chuyện cơm nước, trông nom thì vài ngày sau, ông nội lại trượt té trong nhà tắm, phải thay khớp háng. Vậy là đủ thứ chuyện dồn lên vai vợ chồng anh Vũ, từ lo viện phí, chăm sóc, thuốc men… cho phụ huynh. Mới chỉ hơn 2 tuần ông bà nằm viện, nhìn anh chị xuống sức hẳn.
“Vợ chồng tôi vất vả cả ngày, vừa đi làm, vừa lo con cái rồi đêm lại chia nhau vào bệnh viện thay ca cho ông ngoại và bà nội nghỉ ngơi. Không có thời gian đứng lại thở một hơi tròn trịa chứ đừng nói một bữa ăn, một giấc ngủ đàng hoàng”, chị Kiều chia sẻ.
Những lúc như vậy, nhìn gia đình ông cụ nằm giường bệnh bên cạnh đông con, đông cháu, mỗi người một tay một chân, chị Kiều lại ước giá như hồi đó, ba mẹ sinh thêm để chị có anh có em, tuổi thơ cũng vui mà giờ có người này người kia chia sẻ trách nhiệm với đấng sinh thành.
2. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn là việc lớn, việc nhỏ trong nhà luôn có người cùng gánh vác. Hồi còn nhỏ, bọn trẻ nhà đông chị em như chúng tôi vẫn hay trách móc ba mẹ sao sinh nhiều con, có cái bánh cũng phải chia năm xẻ bảy. Quần áo, sách vở đâu có khi nào được dùng đồ mới. Tôi là thứ hai trong nhà, cái gì cũng phải dùng kỹ lưỡng để còn cho đứa em dùng tiếp.
Ba mẹ tôi hay bảo, có người là có của, tài sản của ba mẹ là mấy đứa con. Rồi những ngày tháng vất vả đó cũng qua, giờ mấy anh chị em đều trưởng thành, nhà có công có việc gì mỗi người một tay một chân. Việc lớn mấy cũng không quá áp lực.
Như đợt trước, ba tôi bệnh, nằm bệnh viện gần 2 tháng, ba chị em chia ca chăm. Có thêm dâu, thêm rể phụ giúp, không ai phải nghỉ làm hay quá mệt mỏi. Mẹ tôi chạy qua chạy lại, khi hầm nồi súp hoặc thang thuốc để ba tẩm bổ thêm. Đông con, đông cháu, nhà lúc nào cũng rổn rảng. Ngày cuối tuần tụ tập, chẳng khác gì có tiệc. Chả trách trước đây mẹ tôi hay dặn, vất vả mấy cũng ráng sinh ít nhất hai đứa cho có anh có em, sau này đỡ cực thân con một. Sau này mới thấy, con một đúng cực thân thật.
Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ, nhất là ở các thành phố lớn, ngại sinh con. Nhiều người sinh con đầu xong là “chốt sổ”, không sinh thêm. Phần vì công việc bận rộn, không có thời gian chăm lo con, phần vì chi phí nuôi con ăn học đến khi trưởng thành ngày càng tốn kém. Dĩ nhiên, không phải tất cả người ở vị trí con một đều vất vả, cũng không phải những gia đình đông con đều thuận hòa với nhau, nhưng phần nhiều là như vậy.
Cũng để thích ứng xu hướng mới, nhiều người tự chuẩn bị cho mình kịch bản khi về già, khi tư tưởng kiểu “trẻ cậy cha, già cậy con” ngày càng ít đi. Nhiều người đã nghĩ đến sự độc lập, vợ chồng già tự chăm nhau hoặc hướng đến viện dưỡng lão, không vướng bận con cháu.
Dù vậy, văn hóa của người Á Đông vẫn hướng về nguồn cội, liệu rằng mấy người đủ dũng cảm nhìn cha mẹ đơn độc ở nhà hay viện dưỡng lão ở tuổi xế chiều? Rồi hình ảnh, tiếng lòng của những người con một như chị Quỳnh hay vợ chồng anh Hoàng Vũ sẽ ngày càng nhiều.