Theo đó, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn giảm lần lượt là 1 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm. Một số lãi suất định hướng khác cũng giảm như trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn 1-6 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm, về lần lượt là 0,5%/năm và 5,5%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm về còn 4,5%/năm.
Giảm lãi suất tái cấp vốn là phần điều chỉnh giảm lãi suất quan trọng đối với nền kinh tế. Lãi suất tái cấp vốn là loại lãi suất áp dụng cho cho các khoản vay tái cấp tín dụng của NHNN đối với ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua các loại tài sản thế chấp rủi ro. Khi lãi suất này giảm thì các NHTM sẽ có chi phí vay thấp hơn, từ đó sẽ trực tiếp tác động đến lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp giảm thì chi phí lãi vay cũng giảm đi, từ đó doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn, có động lực để vay vốn phát triển kinh doanh và tiền cũng dễ lưu thông.
Sau quyết định của NHNN, đầu tháng 4, các NHTM nhà nước và tư nhân đều đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,3-0,8 điểm phần trăm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh khoảng 0,8-1,2 điểm phần trăm. Nhịp giảm này tương đương khoảng 1/2 mức tăng trong giai đoạn tháng 10 và 12-2022.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và cũ vào cuối tháng 2 ở mức 9,5-11,3%/năm, tăng khoảng 0,5-0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Điều này được dự báo lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trong thời gian tới do: lãi suất huy động hạ nhiệt làm tiền đề giảm lãi suất cho vay; thanh khoản hệ thống dồi dào, nhu cầu tín dụng yếu nên theo quy luật cung - cầu, lãi suất cho vay sẽ giảm; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ ngày 1-4 với mức lãi suất cho vay ưu đãi 8,2-8,7%/năm đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Trước đó, trong buổi họp báo cập nhật về chính sách tiền tệ cuối tháng 3, NHNN cho biết, tính đến ngày 28-3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Như vậy, tín dụng đã tăng thêm gần 1% kể từ ngày 9-3. Điều này cho thấy, dòng chảy tín dụng đã bắt đầu được khơi thông trở lại.
Quý 1, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5% trong năm 2023 và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 1-2009. Số liệu vĩ mô kém khả quan, đòi hỏi Chính phủ ban hành thêm những chính sách nhằm kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng như: giảm lãi suất điều hành, triển khai các gói vay tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh đầu tư công.
Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, việc giảm lãi suất, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng…, NHNN đã phát đi thông điệp rõ ràng về đảo ngược chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn.
Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tính dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Dù hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, nhiều biến động sắp tới chưa thể lường trước, nhưng việc điều hành chính sách tiền tệ nêu trên sẽ có tác động tích cực tới triển vọng của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023.