Ngày 19-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước tại khu “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, quận 1 TPHCM tiếp tục phần tranh luận giữa các luật sư với đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) không đồng tình với thiệt hại của vụ án hơn 1.927 tỷ đồng mà công tố viên đã xác định trong phần luận tội đối với các bị cáo vào chiều tối qua. Tính chất của sự việc là giao quyền sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue để thực hiện dự án.
Theo quy định, doanh nghiệp thuê đất thì quyền sử dụng đất bị hạn chế, doanh nghiệp không thể đem khu đất thế chấp vay tiền cũng như không có quyền chuyển nhượng.
Theo luật sư Nghĩa, đến nay, quyền sử dụng đất đối với khu đất này vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí còn tăng hơn rất nhiều theo thị trường đất đai, như vậy vụ án không có thiệt hại. Luật sư Nghĩa đề nghị hội đồng xét xử tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Tài.
Trực tiếp bào chữa, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) khẳng định bản thân rất thành khẩn khi khai báo, còn đối với những cáo buộc mà bản thân bị cáo không làm (như có quan hệ tình cảm với bị cáo Nguyễn Thành Tài, tác động và xúi giục bị cáo Tài ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật) thì bị cáo không thể nào thừa nhận.
Còn về khoản tiền đã chuyển cho bị cáo Tài, bị cáo Thúy khai rằng là do biết bị cáo Tài bị ung thư tuyến tiền liệt, chuẩn bị sang Singapore chữa trị nên bị cáo và gia đình hỗ trợ với tấm chân tình, thâm giao. Sau khi về nước, bị cáo Tài đã trả lại số tiền này. Bị cáo Thúy mong được nhìn nhận đúng về bản thân bị cáo và về năng lực tài chính của Công ty Hoa Tháng Năm khi tham gia vào dự án.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy) thống nhất với phần đối đáp của các luật sư đồng nghiệp. Đề nghị viện kiểm sát nêu rõ bị cáo đã dùng thủ đoạn nào tác động đến bị cáo Nguyễn Thành Tài để bị cáo Tài chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài sản Nhà nước.
Viện kiểm sát sử dụng lời khai của bị cáo Tài làm chứng cứ duy nhất để kết luận bị cáo Tài và bị cáo Thúy có quan hệ tình cảm cá nhân, từ đó bị cáo Thúy tác động đến bị cáo Tài.
Trong khi theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thì không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Luật sư Trạch đề nghị hội đồng xét xử áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với thân chủ của mình.
Luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, bị cáo Nguyễn Hoài Nam - nguyên Bí thư Quận ủy quận 2, vào thời điểm xảy ra vụ án giữ chức Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) xác định rõ sự vi phạm của các bị cáo có liên quan đến vụ án này hay không. Nếu viện kiểm sát xác định hành vi của các bị cáo là sai, thì các hành vi đó sai từ thời điểm nào.
Theo viện kiểm sát, dù Công ty Lavenue thiếu các hồ sơ năng lực nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vẫn tham mưu cho UBND TPHCM được áp dụng 2 hình thứ giao đất và cho thuê đất chỉ định đối với khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn.
Luật sư Công cho rằng việc làm của các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM là có cơ sở, dựa vào Công văn 803 của UBND TPHCM vào năm 2008 và Luật Đất đai cùng một số quy định khác chứ không phải thực hiện mà không có cơ sở pháp lý.
Luật sư Công cũng đồng tình với luật sư Hưng, đề nghị viện kiểm sát xác định hành vi của các bị cáo sai phạm từ thời điểm nào. Và liệu việc buộc tội đối với các bị cáo là có cơ sở?
Trong phần tranh luận bổ sung, bị cáo Nguyễn Thành Tài khẳng định không có quan hệ tình cảm nam nữ với bị cáo Thúy.
“Những ngày trong trại giam, thông tin về mối quan hệ nam nữ với cô Thúy như là một bản án đối với tôi. Cho đến hôm qua, viện kiểm sát phát biểu rằng không khẳng định mối quan hệ giữa tôi và cô Thúy là quan hệ nam nữ bất chính thì tôi mới được giải oan. Tôi không phải là người giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án, cô Thúy chưa bao giờ gặp tôi xin được tham gia dự án”, bị cáo Tài một lần nữa nhấn mạnh.
Bị cáo cũng thừa nhận có lỗi, nhưng lý giải là do bị áp lực. “Việc này giao cho tôi nửa chừng nên tôi phải giải quyết nhiều, ký nhiều. Còn ký nhanh là do TPHCM đang chủ trương cải cách hành chính”, bị cáo trình bày.
Đối đáp lại những luận điểm của các luật sư, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo bị truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi sai phạm của các bị cáo kéo dài cho đến lúc bị phát hiện, ngăn chặn.
Theo công tố viên, trong vụ án này Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TPHCM (gọi tắt là Ban chỉ đạo 09, do nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân làm trưởng ban, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng làm phó trưởng ban) cũng có một phần trách nhiệm.
Quá trình triển khai thực hiện dự án, bị cáo Nguyễn Thành Tài đã ký nhiều văn bản chỉ đạo và quyết định trái pháp luật trong việc xử lý nhà đất số 8-12 đường Lê Duẩn, nhưng Ban chỉ đạo 09 chỉ thực hiện việc tổng hợp, cập nhật về tiến độ sắp xếp, xử lý nhà công sản mà không có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, như trong cáo trạng đã nhận xét, ông Lê Hoàng Quân đã phân công bị cáo Tài phụ trách lĩnh vực quản lý nhà, đô thị..., trong đó chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, xử lý các nội dung liên quan đến dự án tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, nhưng không được báo cáo nên không kịp thời phát hiện được những sai phạm nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Hồng và các thành viên khác trong Ban chỉ đạo 09 không có ý kiến tham mưu, đề xuất gì trong việc xử lý khu đất số 8-12 Lê Duẩn vì bị cáo Nguyễn Thành Tài là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, là người trực tiếp chỉ đạo và quyết định việc xử lý khu đất này.
“Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với các cá nhân này là phù hợp”, công tố viên phát biểu.
Lúc 12 giờ 10 phút, phần tranh luận kết thúc. Trước khi hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo nói lời cuối cùng.
Trình bày trước hội đồng xét xử, các bị cáo Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam, Trương Văn Út mong được khoan hồng, hưởng mức án nhẹ so với đề nghị của công tố viên hoặc được miễn hình phạt vì có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với đất nước, là lao động chính trong gia đình, sai phạm là do làm theo chỉ đạo sai từ cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không hưởng lợi từ hành vi sai phạm của mình.
Bị cáo Út nói rằng bản thân không là thành viên Ban chỉ đạo 09 nên không nắm rõ quy định trong Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; vai trò của bị cáo chỉ là người đánh văn bản chứ không phải là người đưa ra ý kiến đề xuất sai quy định.
Bị cáo Thúy xin hội đồng xét xử xem xét toàn bộ chứng cứ trong hồ sơ, bối cảnh thực tế và lời khai của các bị cáo cũng như lời trình bày của các luật sư để có một bản án công tâm, công bằng, thấu tình đạt lý nhất.
Phần trình bày lời nói cuối cùng của bị cáo Nguyễn Thành Tài khá dài. Bị cáo nói rằng cuối đời ở tuổi xế chiều dính vào vòng lao lý là cú sốc rất nặng và trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã, cay đắng. Tuy nhiên, bị cáo không xấu hổ với lương tâm, không xấu hổ với chính bản thân mình vì đã cố gắng cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cũng như cống hiến cho sự nghiệp mang lại hạnh phúc cho chính người dân của mình.
“Tôi không đổ lỗi cho ai, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu sự xử lý của pháp luật, nhưng tôi không có động cơ trục lợi”, bị cáo nói.
Bị cáo Tài cũng gửi lời xin lỗi người dân TPHCM: “Tôi Nguyễn Thành Tài, đứa con của Sài Gòn Gia Định, của TPHCM không bao giờ phản bội lại lý tưởng của mình, không bao giờ đi ngược lại lợi ích của nhân dân nhưng với tinh thần kỷ luật của một đảng viên, tôi sẽ nhận trách nhiệm với những lỗi lầm, thiếu sót mà tôi đã gây ra”.
Phiên tòa tạm dừng. Dự kiến lúc 9 giờ sáng mai, hội đồng xét xử sẽ tuyên án.