Tai nạn liên tục xảy ra
Ngày 18-11, Đội tuần tra CSGT đường bộ cao tốc số 7 thuộc Phòng 8 - Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giữa 2 xe tải khiến 2 người chết tại chỗ vào ngày 14-11. Theo thông tin ban đầu, khoảng 1 giờ cùng ngày, tài xế Nguyễn Văn Đ. (32 tuổi, quê Bạc Liêu) lái xe tải trên cao tốc TPHCM - Trung Lương từ hướng miền Tây đi TPHCM. Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thì bất ngờ va chạm vào đuôi xe tải do tài xế Nguyễn Thi S. (30 tuổi, quê Kiên Giang) đang dừng trên làn ô tô sát dải phân cách khiến đầu xe tải của tài xế Đ. bẹp dúm, biến dạng và hư hỏng nặng. Tài xế Đ. và phụ xế Trương Cao Th. (20 tuổi, quê Bạc Liêu) bị kẹt cứng trong cabin và đã tử vong.
Trước đó, khoảng 20 giờ 45 ngày 13-11, cũng trên cao tốc TPHCM - Trung Lương đoạn thuộc địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã xảy ra va chạm giao thông liên hoàn giữa 3 ô tô. Cụ thể, ô tô 7 chỗ 51G - 49.376 chạy trên cao tốc từ hướng miền Tây đi TPHCM, đến địa điểm trên tài xế phát hiện xe bị sự cố nên bật tín hiệu đèn ưu tiên cho xe chuyển hướng vào làn đường khẩn cấp để kiểm tra. Tuy nhiên, khi xe này vừa dừng lại thì xe tải 63C-14.647 và xe khách 51B-12.127 chạy cùng chiều phía sau tông vào. Cú va chạm mạnh khiến ô tô 7 chỗ trượt dài một đoạn và đâm vào taluy hành lang bảo vệ đường cao tốc, phụ xế xe tải chấn thương nặng được chuyển đi bệnh viện, 6 người trên ô tô 7 chỗ bị thương nhẹ.
Đặc biệt, vào khoảng 15 giờ ngày 10-11, anh Trần Hồ Kiệt (32 tuổi, ngụ TPHCM) chở 2 du khách nước ngoài điều khiển ô tô 7 chỗ 51G-554.52 lưu thông trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, hướng từ Tiền Giang đi TPHCM. Khi đến đoạn thuộc TP Tân An, tỉnh Long An thì bị xe khách 29 chỗ 63B-011.62 (nhà xe Duy Quý, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) do tài xế Nguyễn Văn Hợi (39 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) cầm lái va chạm. Sau đó, tài xế xe khách vượt lên chặn đầu xe của anh Kiệt rồi lấy trong xe ra một thanh kim loại giống kiếm Nhật, dùng tay đập cửa kính và có hành vi đe dọa anh Kiệt…
Nhiều phương tiện lấn làn, vượt ẩu
Theo ghi nhận của phóng viên, thường vào buổi chiều lượng phương tiện di chuyển trên cao tốc TPHCM - Trung Lương rất đông với tốc độ cao và không giữ khoảng cách an toàn, nhiều tài xế chỉ vừa bật đèn xi nhan là chuyển làn và vượt ngay. Đặc biệt, rất nhiều phương tiện “đua” vào làn đường khẩn cấp để vượt lên trước. Tài xế Nguyễn Văn Tạo (quê Tiền Giang) cho biết, mỗi ngày, anh chở hàng từ Tiền Giang đi TPHCM trên tuyến cao tốc này, lượng phương tiện di chuyển hướng về TPHCM rất đông vào buổi chiều tối, tài xế xe khách, xe tải nối đuôi nhau, nhiều phương tiện “tranh thủ” chạy với tốc độ khá cao, lấn vào làn đường khẩn cấp, thậm chí xe container cũng đi vào làn đường này để vượt lên trước, vì vậy, tai nạn thường xuyên xảy ra.
Theo Cục Quản lý đường bộ 4, đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Trung Lương, khu vực xảy ra tai nạn là đường thẳng, mặt đường êm thuận, hệ thống bảo đảm an toàn đầy đủ. Tuyến đường TPHCM - Trung Lương dài gần 62km, 4 làn xe, khai thác từ năm 2010, là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối TPHCM với tỉnh Long An, Tiền Giang; vận tốc tối đa 100km/giờ. Đầu năm 2019, cao tốc dừng thu phí, lượng xe sau đó tăng trên 30%, 40.000-50.000 lượt xe mỗi ngày đêm, khiến mặt đường quá tải, hư hỏng. Hơn 200 vụ tai nạn xảy ra kể từ khi cao tốc dừng thu phí.
Vừa qua, đại diện các ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý người dân tự ý dựng lều, che bạt, mua, bán hàng hóa... trong phạm vi tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu tự tháo dỡ 15 trường hợp dựng lều bạt, mái che tạm và các vật dụng để bày bán nước, đồ ăn cho các tài xế dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên ra quân, xử lý các điểm người dân tự phát, lấn chiếm lòng lề đường khu vực đường cao tốc (gần trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) để dựng lều bạt, bán nước, hàng hóa cho tài xế. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT Tân Túc sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tài xế đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định. |