Niger rất quan trọng trong chính sách di dân của EU. Về mặt địa lý, đây là quốc gia bán sa mạc, không giáp biển; có hơn 25 triệu dân, trải rộng trên 1,3 triệu km2; bao quanh là các nước Libya, CH Chad, Nigeria, Benin, Burkina Faso, Mali và Algeria - quốc gia mà Niger có chung hơn 1.000km đường biên giới. Nằm lọt thỏm giữa vùng Sahel, Niger trên thực tế là điểm trung chuyển quan trọng cho những người di dân tìm đường đến châu Âu thông qua ngả Bắc Phi, cụ thể là Libya.
Báo Le Figaro cho biết, từ năm 2015, Niamey đã được xác định là “pháo đài” cho chính sách di dân của EU. Vào thời điểm đó, EU đang trải qua cuộc khủng hoảng di dân nghiêm trọng khi chỉ tính riêng trong năm 2015, hơn 1 triệu người đã vượt biển đến châu Âu.
Nhiều khoản hỗ trợ tài chính đã được cấp cho Niger nhằm kiểm soát và hạn chế dòng di dân bất hợp pháp. Theo số liệu từ Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), từ năm 2016 đến nay, Niger đã “giữ chân” hơn 95.200 di dân, chủ yếu ở thị trấn Assamaka, phía Bắc nước này.
Hàng dài người di cư tại Niger |
Không chỉ có vấn đề di dân, Niger còn là một trong những tuyến đường được nhiều mạng lưới tội phạm khác tận dụng. Elie Tenenbaum, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về an ninh thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, cho biết, Niger không phải là tuyến đường duy nhất, mà là một phần của một trong những tuyến đường buôn người, ma túy và buôn lậu đến vùng Bắc Phi.
Mỹ cũng dành sự quan tâm cho “tuyến đường tội phạm” ở Niger. Cơ quan chống ma túy của Mỹ có đại diện ở Niger. Thế nên, quốc gia châu Phi này còn là một đối tác thiết yếu cho cuộc chiến chống các mạng lưới tội phạm khác nhau.
Chính vì sự quan trọng của Niger, cuối tháng 8 vừa qua, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU, tại phiên họp ở Tây Ban Nha, đã thống nhất một khung trừng phạt nhắm vào các tác nhân của cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Những biện pháp này, dựa trên các trừng phạt từ Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), gồm đình chỉ các giao dịch tài chính, phong tỏa tài sản, hay cấm di chuyển trong EU.
Theo một nhà ngoại giao được báo Le Figaro trích dẫn, mục tiêu của các lệnh trừng phạt là gửi đi thông điệp đầu tiên đến phe đảo chính. Quyết định trên của EU (phần nào ủng hộ sáng kiến trừng phạt ban đầu mà Pháp và Đức đưa ra hồi đầu tháng 8), cho thấy EU chưa sẵn sàng đi xa hơn, nghĩa là hậu thuẫn hành động quân sự theo ý của ECOWAS và được Pháp ủng hộ để đưa ông Mohamed Bazoum trở lại cầm quyền. Ông Joseph Borrell, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, tuyên bố ưu tiên là giải pháp ngoại giao chứ không ai muốn can thiệp quân sự.
Hiện tại, việc các bên liên quan đến Niger vẫn chưa đạt được thỏa thuận khiến Italy và Hungary lo sợ phải đối mặt thêm một làn sóng di dân mới. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo La Stampa hôm 4-9 vừa qua, đã cảnh báo mỗi ngày trôi qua mà không đạt được một thỏa thuận nào chỉ khiến tình hình thêm nghiêm trọng.