Nỗi lo từ “ngôi sao mạng”...

Trên hàng ghế đầu của các sự kiện thời trang hay thảm đỏ các sự kiện giải trí giờ đây những “ngôi sao mạng” cũng có vị trí chẳng hề kém cạnh các sao hạng A. Thậm chí, họ còn tham gia cuộc đua săn tin quyết liệt với báo chí khi có được sự hậu thuẫn của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số khác nhau.

Những “ngôi sao mạng” ấy được gọi bằng cái tên rất “sang và chảnh”: nhà sáng tạo nội dung số (content creator). Trên thực tế, mặc dù tên gọi này nở rộ trong vài năm gần đây nhưng nó đã có manh nha từ chục năm về trước, thời thịnh hành của những blogger, hiện vẫn tồn tại đến ngày nay.

Trong thời đại bùng nổ của đa nền tảng, content creator cũng có nhiều đất sống: từ mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram, Twitter, đến các nền tảng video: YouTube, Vimeo, Dailymotion...; nền tảng blog: WordPress, Blogger, Tumblr...; nền tảng podcast: Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts... Đây được đánh giá là một công việc đang rất thịnh hành với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều cơ hội cả về tiền bạc và danh tiếng.

Tuy nhiên, khái niệm content creator hiện cũng đang rơi vào tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”. Hiểu về bản chất, nếu coi đây là một nghề ra đời và phát triển gắn liền với sự phát triển của công nghệ, nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khắt khe: viết, nghiên cứu, sáng tạo, tư duy hình ảnh, khả năng công nghệ… Tuy nhiên, nếu dạo một vòng trên mạng sẽ dễ dàng nhận thấy ai cũng có thể gắn tên mình là... content creator.

Ngay cả khi chưa khoác chiếc áo danh phận đó, họ vẫn xuất hiện mọi lúc mọi nơi đơn giản chỉ với một chiếc điện thoại trên tay. Họ săn lùng, đeo bám, thậm chí bất chấp tất cả với mục tiêu lớn nhất là đổi về số lượng người xem, bình luận, chia sẻ trên các sản phẩm của mình. Và, trong cuộc cạnh tranh ấy, một bộ phận content creator nổi đình đám đã nghiễm nhiên trở thành những hot TikToker, hot Facebooker, hot YouTuber…

Danh tiếng và tiền bạc của họ tỷ lệ thuận với những con số lượt người thích, theo dõi, lượt xem… trên các sản phẩm đăng tải trên mạng. Và, từ bàn đạp ấy họ trở thành những “ngôi sao mạng” một sản phẩm mới của thời đại công nghệ số. Chỉ có điều, mọi thứ diễn ra quá nhanh, chóng vánh kiểu đốt cháy giai đoạn hay nhảy vọt non.

Quy luật sàng lọc khắt khe của thị trường không hẳn luôn đúng trong mọi trường hợp. Bởi trên thực tế, có một điều trái khoáy: những nội dung sốc, nhảm, giật gân, bịa đặt, vu khống… trong nhiều tình huống lại trở thành “mồi câu” hiệu quả, giúp không ít content creator trở thành “ngôi sao mạng” bất chấp sự “nổi tiếng” này là danh tiếng hay tai tiếng.

Quy luật sàng lọc content creator có thể chưa quá khắc nghiệt bởi các hình thức xử lý về mặt luật pháp còn nhẹ, thậm chí “rẻ bèo” so với mức thu nhập họ nhận về. Bản thân người dùng mạng ở Việt Nam cũng vẫn ở tâm thế “giơ cao đánh khẽ”. Lập kênh, nổi tiếng, bị khóa kênh đợi tình hình lắng xuống họ vẫn có cơ hội để trở lại.

Do đó, làm nội dung sạch hay lựa chọn bất chấp để nổi tiếng hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ, định hướng, ý thức và hành động của mỗi content creator. Trên thực tế, không ít người đã tận dụng rất tốt lợi thế của mạng xã hội, nhạy bén, chăm chỉ để đưa đến những nội dung sạch phục vụ công chúng. Ngoài phần hưởng lợi về mình, họ cũng chung tay giúp người nông dân bán nông sản, quảng bá các đặc sản bản địa, giá trị văn hóa, xây dựng các nội dung giáo dục…

Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân bài bản chính là cách giúp họ tạo ra giá trị bản thân. “Ai cũng có thời” là câu cửa miệng với những người nổi tiếng. Những content creator cũng đang có trong tay đầy đủ các điều kiện thuận lợi. Quan trọng là họ làm gì để giữ nó tồn tại trong bao lâu, hay chọn cách tan biến như bong bóng dù thực tình không ai muốn đi theo cách đó.

Tin cùng chuyên mục