Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong bối cảnh Thượng Hải - thành phố lớn nhất nước này, phong tỏa 2 tháng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động. NBS nêu ra một số yếu tố bao gồm tác động kéo dài của đại dịch, nhu cầu sụt giảm và các nguồn cung bị gián đoạn trong nước. Bên cạnh đó, NBS cho rằng, nguy cơ lạm phát ngày càng gia tăng của kinh tế thế giới, với những bất ổn trên thị trường quốc tế, cũng ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.
Giới phân tích dự đoán, số liệu tăng trưởng mới nhất sẽ kéo mức tăng trưởng của cả năm nay xuống khoảng 4%, thấp hơn mức mục tiêu khoảng 5,5% do Bắc Kinh đề ra. Dù nhiều quy định về phòng dịch Covid-19 đã được gỡ bỏ và các dấu hiệu cải thiện cũng được ghi nhận trong tháng 6, giới quan sát vẫn không đánh giá cao về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Bắc Kinh đang tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, nhưng rất nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay mà Chính phủ Trung Quốc đề ra là khó đạt được.
Nhiều chuyên gia tin rằng, dư địa để Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách hơn nữa sẽ bị hạn chế bởi những lo lắng về dòng vốn bị hút ra bên ngoài khi Mỹ và các nền kinh tế khác đang tích cực tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Dù lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc không quá nóng như các nền kinh tế lớn khác, nhưng cũng có thể gây ra những hạn chế với nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ở Trung Quốc cũng đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Hãng Reuters dẫn nhận định của chuyên gia Toru Nishihama, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo (Nhật Bản), rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bên bờ vực của lạm phát đình trệ. Và điều này càng làm triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám.