Ám ảnh của phụ huynh
Bà C.T.T. (ngụ quận Bình Thạnh) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP cầu cứu: “Có cách nào giúp cháu của tôi cai nghiện game online không? Cháu tôi tên H. (15 tuổi) vốn là con ngoan trò giỏi, học sinh giỏi thời học THCS. Năm học này, cháu cũng học tốt trong học kỳ 1 lớp 10 Trường THPT T.V.G. (quận Bình Thạnh).
Nhưng Tết Nguyên đán vừa rồi được nghỉ học dài ngày, lại sẵn có tiền mừng tuổi, cháu H. đã cùng bạn bè ra tiệm game online để chơi game, để rồi nay bị chìm đắm trong trò chơi này đến nỗi muốn nghỉ học.
Cháu đòi gia đình cho nó nghỉ học, mua cho một cái máy tính xịn, nó bảo nếu luyện game lên trình cao thì mỗi tháng kiếm 300 triệu đồng nhẹ tênh. Cả nhà tôi ra sức can ngăn nhưng không được, nhãng đi là nó lại gọi bạn tới đón rồi cả nhóm trốn đi chơi.
Suốt 2 tháng nay, ngày nào đi học xong là nó đi thẳng đến tiệm game chơi đến hơn 10 giờ tối mới về nhà. Nhiều hôm cháu còn bỏ học để đi thi đấu tranh giải do tiệm game tổ chức, mọi người trong gia đình khuyên bảo có, dọa nạt có, nhưng không có tác dụng.
Ngoài nó ra, trong lớp còn 2 đứa nữa cũng đang đòi nghỉ học, khiến chúng tôi rất lo lắng”. Tương tự, gia đình em N.P.S. (học sinh lớp 10 Trường THPT H.H.T., quận Bình Thạnh) cũng đành bất lực khi S. kiên quyết bỏ học để… làm giàu bằng cách chơi game online.
Các học sinh chơi game tại điểm game online trên đường Trường Sa (phường 17, quận Bình Thạnh) lúc 12 giờ trưa ngày 12-4. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Theo địa chỉ của phụ huynh Trường THPT T.V.G. phản ánh, chúng tôi tìm đến tiệm game online N.D. (đường Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh).
Quan sát tại đây vào các ngày 9, 10 và 11-4, chúng tôi ghi nhận giờ nào tiệm game này cũng đông khách, chủ yếu là lứa tuổi học sinh THCS, THPT ở các trường xung quanh và sinh viên.
Đông nhất là tầm sau 16 giờ 30 phút, nhiều tốp học sinh cả nam và nữ còn mặc nguyên bộ đồng phục rủ nhau vào chơi game. Cũng có tốp học sinh cúp học ngồi “cày” game từ trưa và canh đúng 16 giờ 30 phút thì trả máy đi về cho khớp thời gian tan trường.
Giá chơi game ở phòng thường là 6.500 đồng/giờ, ở phòng VIP là 8.000 đồng/giờ, vậy mà nhiều học sinh vẫn ngồi chơi suốt từ sáng tới tận khuya. Thậm chí những lúc quá tải, máy không đủ cho khách chơi, các game thủ sẵn sàng đứng hàng giờ vây quanh các game thủ khác để xem và chờ có máy trống là vào chơi.
Để phục vụ các game thủ, tiệm game này còn tuyển cả đầu bếp, sẵn sàng cung cấp các suất ăn, nước uống ngay tại bàn máy tính.
Nhằm thu hút đông người chơi, tiệm game này thường xuyên tổ chức các giải đấu, trung bình mỗi tháng 1 - 2 giải như: giải liên phòng máy; giải đấu solo; giải đấu Liên minh huyền thoại; giải đấu Liên minh huyền thoại sinh viên 2018…
Dù phần thưởng chỉ vài trăm ngàn đồng tiền mặt và vài tiếng chơi game miễn phí, nhưng cũng đủ để các game thủ miệt mài luyện tập và thi đấu. Nhiều game thủ cho biết, ngoài đam mê còn luyện game vì mục tiêu chinh phục những khoản tiền thưởng lên tới hàng trăm ngàn USD, hàng triệu USD trong các giải đấu quốc tế. Không ít game thủ kỳ vọng rằng “biết đâu mình giàu lên từ game”.
Cai nghiện game online không dễ
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TPHCM), hiện nay rất phổ biến tình trạng trẻ ở lứa tuổi học trò nghiện game. Trước đây, học trò chơi game đều phải đến tiệm internet, nên chúng ta thấy đông, còn hiện tại tưởng chừng ít hơn.
Nhưng thực ra không phải vậy, bởi hiện nay các cháu đều có máy tính riêng hoặc smartphone, có phòng riêng, nhiều điều kiện để tiếp xúc với game hơn, từ đó dẫn đến tỷ lệ trẻ nghiện game ngày càng tăng. Khi quá nghiện game, trẻ thường có nhu cầu tụ tập thành từng đội để cùng “chinh chiến”.
Bác sĩ Hiển giải thích: “Cơ chế nghiện game cũng giống như cơ chế nghiện cờ bạc, khá giống với cơ chế nghiện một số chất kích thích. Để cai nghiện game không dễ.
"Tôi đã và đang chữa cho nhiều trường hợp nghiện game trong độ tuổi học sinh. Nhiều cháu chỉ cần điều trị tâm lý vài tháng là ổn, nhưng cũng có những cháu phải can thiệp bằng thuốc. Để có biện pháp giúp các cháu cân bằng lại cuộc sống, tốt nhất là gia đình phải quan tâm con em mình, phát hiện sớm các biểu hiện nghiện game như học hành sa sút, thích đóng cửa ở trong phòng một mình, hoặc nặng hơn sẽ thường xuyên nói dối để ra ngoài chơi, chi tiêu tiền bất hợp lý", Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển
Khi bản thân thắng một trận trong game thì não tiết ra chất dopamine (hay còn gọi là con đường khen thưởng dopamine) gây kích thích não, tạo sự hưng phấn và khiến cho người chơi say mê, quên hết tất cả công việc phải làm.
Đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ngoài nhu cầu giải trí, các cháu còn coi game là nơi chứng tỏ uy quyền của mình nên càng say mê. Vì vậy, nhiều cháu bất chấp mọi hậu quả mà người lớn cảnh báo để lao vào chơi game, vừa để thỏa mãn thú vui, vừa để chứng tỏ mình với bạn bè cùng trang lứa. Khi bị gia đình cấm cản, trẻ sẽ có những biểu hiện về mặt tâm lý rất đáng lo ngại.
Nếu chẳng may con em mình nghiện game, thay vì la mắng các cháu, gia đình nên nhờ thầy cô, bạn bè động viên, khuyên răn. Đồng thời lập thời gian biểu để cùng cháu thực hiện các công việc trong ngày, bớt thời gian cho trẻ tiếp xúc với máy tính, nhưng không nên cắt đột ngột.
Ví dụ, ngày đầu lùi 5 - 10 phút, ngày hôm sau lùi thêm vài phút, dần dần từng nấc một, kiên trì như vậy thì sẽ đến lúc cháu cảm thấy không có game cũng không sao. Phụ huynh phải xác định chặng đường cai nghiện game cho con không ngắn, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, nếu không, trẻ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất kiểm soát và gây hậu quả xấu”.