Nỗi đau còn đó
Dòng sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) những ngày đầu tháng 6-2021 hiền hòa, trong vắt. Thế nhưng, ám ảnh từ vụ sạt lở kinh hoàng tại khu vực nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa nguôi ngoai với người dân vùng đất này. Cuộc tìm kiếm những nạn nhân mất tích kéo dài suốt nửa năm qua, với quyết tâm cao nhất của các ngành, các cấp, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã kết thúc giai đoạn 4 của cuộc tìm kiếm, nhưng vẫn còn 11 trong tổng số 17 nạn nhân mất tích chưa tìm thấy.
Còn theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương và thân nhân người mất tích vẫn phối hợp với lực lượng tại chỗ tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Nam Trà My và Phước Sơn. Tuy không ở mức chiến dịch như trước, nhưng mọi người vẫn chờ các con sông, suối cạn nước để tìm kiếm những nơi có khả năng thi thể người mất tích bị mắc kẹt. Khu vực miền núi Quảng Nam thường xảy ra mưa dông nên việc tìm kiếm vẫn gặp nhiều trở ngại.
Trở lại bản Cợp (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng rạng sáng 18-10-2020, vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Khu vực trụ sở của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 vẫn ngổn ngang, cây cối bị vùi lấp, nhiều công trình hư hỏng chưa thể khôi phục.
“Chủ trương của Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng là di dời Sở chỉ huy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đến vị trí mới, cách địa điểm cũ 1,5km với diện tích 10ha thuộc địa bàn xã Hướng Phùng. Huyện đang phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục công trình ở khu vực mới”, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, thông tin.
Tăng tính chủ động ứng phó
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và dự báo có 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, địa phương đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện (tỷ lệ 1/5.000) và cấp xã (tỷ lệ 1/1.000 - 1/2.000); tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng; xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao; tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác hơn.
Tại Thừa Thiên - Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho hay, tỉnh đã chỉ đạo kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 vào công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn; thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ và thông tin đến người dân. Đồng thời, tỉnh chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời sơ tán di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới… Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp công nghệ như: nhắn tin, ứng dụng Hue-S để phát các bản tin cảnh báo.
Kiểm tra, khảo sát địa hình nguy cơ bị sạt lở, lũ lụt tại Quảng Nam mới đây, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5, yêu cầu cơ quan quân sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động kịch bản ứng phó các tình huống; làm tốt mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ trang bị, phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, sơ tán nhân dân. Trung tướng Thái Đại Ngọc cũng thống nhất với lãnh đạo huyện Phước Sơn về việc quy hoạch bãi đậu trực thăng, cung cấp đầy đủ thông tin, vị trí, tọa độ tập kết hàng cứu trợ, đường hướng vận chuyển hàng hóa đến với bà con trong điều kiện sạt lở chia cắt.
Những giải pháp tăng tính chủ động ứng phó là cấp thiết vào lúc này. Vùng núi miền Trung rất cần các giải pháp căn cơ để người dân sống chung với thiên tai một cách an toàn. Muốn vậy, cần có chính sách mang tầm chiến lược, có nguồn lực đầu tư lớn từ Trung ương đến địa phương. Để từ đó, hình thành nên những ngôi nhà kiên cố, những khu tái định cư thật sự an toàn, bên cạnh những ruộng lúa, nương rẫy màu mỡ để người dân thật sự an cư lạc nghiệp.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác PCTT-TKCN năm 2021 tổ chức vào ngày 4-6 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, cũng đã chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban chỉ huy PCTT, gắn với người đứng đầu. Bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ lực lượng làm công tác PCTT tại địa phương; rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình PCTT, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Cùng đó là sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ; tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai. |