Nỗi lo sạt lở kè biển trong mùa mưa bão tại Hà Tĩnh
SGGPO
Do ảnh hưởng của mưa lũ, triều cường, sóng biển mạnh đã khiến nhiều vị trí trên tuyến kè biển tại các xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà và Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù đã được gia cố nhưng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài nguy cơ tiếp tục sạt lở, mất an toàn kè vẫn đang báo động.
Từ ngày 21 đến ngày 24-10-2020, đoạn kè biển tại địa bàn thôn Hải Nam (chiều dài khoảng 50m, rộng 30m) và thôn Phúc Hải (khoảng 100m2), xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên xảy ra sự cố bị sụt lún, sạt lở, sập, vỡ các cấu kiện, khoét lọng sâu dưới chân kè, có nguy cơ vỡ đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân.
Ngay khi phát hiện sự việc, chính quyền xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đã huy động hàng ngàn người dân cùng lực lượng chức năng và gần 700 khối đá hộc, 500 chiếc rọ sắt, 2.000 bao tải cát, 30 khối cát, 300m bạt… đến hiện trường khẩn cấp gia cố vị trí sạt lở, ứng cứu kè.
Người dân và lực lượng chức năng tham gia gia cố kè biển sạt lở ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên vào cuối tháng 10-2020
Ông Nguyễn Văn Dũng (44 tuổi, thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) cho biết, đến nay mặc dù tại vị trí kè biển bị sạt lở tạm thời được gia cố bằng nhiều khối đá hộc và rọ thép, nhưng mấy ngày qua triều cường tiếp tục dâng cao, sóng biển đánh mạnh đã cuốn đi nhiều khối đá và rọ thép trôi ra ngoài biển, có nguy cơ tiếp tục sạt lở, khoét lọng sâu vào chân kè. Người dân trong thôn, nhất là dọc mép kè đang rất lo lắng nhưng không thể làm gì được. Kè biển vốn đã cũ kỹ, xuống cấp, nếu vỡ thì cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản... của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho biết, tuyến kè biển ở xã Cẩm Nhượng có chiều dài khoảng 1,2km, được xây dựng từ năm 2000. Tuyến kè này có vai trò đặc biệt quan trọng, chắn sóng, bảo vệ cho khoảng 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu tại các thôn Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam, Chùa. Người dân địa phương đang rất lo lắng, bất an bởi các vị trí kè bị sạt lở cũng mới chỉ được gia cố tạm thời.
Người dân xã Cẩm Nhượng mong muốn chính quyền huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh và các cấp ngành Trung ương sớm có phương án đầu tư kinh phí để khắc phục, xây dựng kè kiên cố để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Nhiều vị trí trên tuyến kè biển ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cần sớm được đầu tư gia cố, xây dựng kiên cố để đảm bảo an toàn trước bão lũ
Trong khi đó, tại tuyến kè biển ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua cũng đã gây ra sự cố sạt lở, sập và gãy toàn bộ kết cấu bê tông kè đặc biệt nghiêm trọng, với chiều dài khoảng 40m. Mặc dù, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã gia cố bằng cách lấp hàng loạt bao tải cát, rọ đá... nhưng đây chỉ mới là giải pháp khắc phục tạm thời nhằm hạn chế tình trạng sạt lở ăn sâu vào trong kè tiếp tục lan rộng.
Hơn thế, hiện nay khi thủy triều rút thì phần đất dưới chân kè vẫn lộ nguyên bị sóng biển ăn sạt lở, khoét sâu, trên bề mặt kè xuất hiện một số địa điểm bị nứt nẻ khiến người dân địa phương chưa thể yên tâm.
Người dân và lực lượng chức năng tham gia gia cố kè biển sạt lở ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà vào cuối tháng 10-2020
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, cho biết, việc gia cố tại vị trí kè biển bị sạt lở do ảnh hưởng mưa lũ vừa qua cũng mới chỉ là giải pháp tạm thời. Do đó, hiện chính quyền địa phương đang đề nghị lên huyện, tỉnh nghiên cứu, có phương án sớm đầu tư kinh phí để khắc phục, gia cố kiên cố, vững chắc tuyến kè này để đảm bảo an toàn cho tuyến kè và cuộc sống của người dân bên trong đê...
Kè biển ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc được xây dựng và hoàn thành vào năm 2015, là một phần của dự án tuyến đê biển chống xâm thực có chiều dài khoảng 9km đi qua địa bàn huyện Lộc Hà.
Kè biển này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân địa phương sống trong đê. Đồng thời kè còn có công dụng ngăn mặn, chắn sóng, bảo vệ tài nguyên đất đai, phục vụ người dân sản xuất, neo đậu tàu thuyền, đường giao thông qua lại.