Nỗi lo ở “thủ phủ” thanh long


Lâu nay, huyện Châu Thành được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long của tỉnh Long An và vùng ĐBSCL, bởi nơi đây có diện tích trồng thanh long rất lớn - hơn 8.000ha. Cũng từ việc phát triển “nóng” cây thanh long đã kéo theo những nỗi lo về giá cả, tiêu thụ, cơ sở hạ tầng, điện phục vụ sản xuất… 
Nhiều hộ gia đình ở huyện Châu Thành ùn ùn mở rộng diện tích trồng thanh long
Nhiều hộ gia đình ở huyện Châu Thành ùn ùn mở rộng diện tích trồng thanh long

Ở huyện Châu Thành (Long An) có hàng trăm kho hàng, cơ sở thu mua thanh long với quy mô từ 500m2 đến vài ngàn mét vuông. Kinh phí đầu tư mỗi nhà kho, cơ sở thu mua trung bình từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, hầu hết đều xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, không nằm trong quy hoạch. Tập trung nhiều nhất là ở thị trấn Tầm Vu, xã Hiệp Thạnh, An Lục Long, Dương Xuân Hội… Cái “lạ” là những nhà kho này nhiều năm qua như một thách thức mà huyện và ngành chức năng tỉnh chưa có giải pháp xử lý. Ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thừa nhận thực trạng này đã tồn tại khá lâu; hiện huyện đã cho rà soát, kiểm tra cụ thể, sau đó sẽ có hướng xử lý phù hợp…

Cây thanh long mang lại giá trị kinh tế cao, nên nhiều hộ gia đình ở huyện Châu Thành ùn ùn mở rộng diện tích. Toàn huyện có 10.688ha đất nông nghiệp, thì người dân chuyển qua trồng thanh long hơn 8.000ha. Do vậy, nhu cầu điện để xông đèn cho thanh long ra bông cũng tăng cao. Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Long An, toàn huyện Châu Thành đã lắp đặt 2.306 trạm biến áp để phục vụ điện xông đèn cho thanh long, với tổng công suất 167,6MVA, nhưng chưa đáp ứng đủ. Trong năm 2017, huyện Châu Thành đã đưa vào vận hành trạm biến áp 110kV Tầm Vu và thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm trạm biến áp 110kV Tầm Vu 2 để phục vụ cho nhu cầu điện sản xuất thanh long. 

Mặc dù nhu cầu điện phục vụ cho sản xuất thanh long cao nhưng dường như địa phương này đã “ngó lơ” trong việc quản lý điện. Hiện nay, huyện Châu Thành có 110 hộ sở hữu từ 2 trạm biến áp trở lên; 19 hộ sở hữu từ 4-5 trạm biến áp trở lên, đặc biệt trong số này có 1 hộ sở hữu tới 8 trạm biến áp. Đa phần các hộ xin lắp trạm biến áp để cho thuê điện xông thanh long với giá cao gấp 3-4 lần giá niêm yết của ngành điện. 

Theo quy định của UBND tỉnh Long An, mỗi hécta người dân chỉ được cung ứng 25kVA, thế nhưng những hộ này lại được ưu ái cho đăng ký lắp hàng loạt trạm biến áp từ 75kVA mà không có đủ đất sản xuất thanh long theo quy định. Thậm chí, có trạm biến áp còn không có hồ sơ đất! Và ai dám chắc những hộ cho thuê điện này có đủ điều kiện pháp lý, an toàn để kinh doanh điện? Mới đây, dù là dưới sự quản lý điều hành của ngành điện lực huyện Châu Thành, nhưng vẫn xảy ra vụ đứt dây điện, rớt xuống cổng Trường THCS An Lục Long gây chết 2 em học sinh và làm 4 em khác bị thương, gây bức xúc trong dư luận. Điều này cho thấy, vấn đề giải quyết điện và quản lý điện ở huyện Châu Thành còn những lỗ hổng cần nhanh chóng khắc phục.

Tin cùng chuyên mục