Nước hồ Dầu Tiếng đổi màu
Theo cano của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, chúng tôi có chuyến thị sát hồ Dầu Tiếng, nơi cung cấp nước thô cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt của người dân ở TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Bình Phước. Nếu như ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) nước trong xanh ngút tầm mắt, thì tới vùng nước trên địa bàn huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), nước bắt đầu chuyển màu xanh, phảng phất mùi hôi tanh của cá, cùng các loại chất thải. đến vùng nước trên địa phận huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) thì màu nước đổi sang xanh đặc, bốc mùi tanh hôi nồng nặc của cá chết, lục bình thối rửa và nhất là nước thải từ các nhà máy, doanh nghiệp, hộ dân ở xã Tân Thành xả vào các suối Bà Hum, Tà Ly, Tà Ôn, Suối Ngô… rồi đổ về suối Cửu Long, hòa vào dòng nước của hồ Dầu Tiếng.
Một người dân ở đây cho biết: nước ô nhiễm và hôi tanh kinh khủng vậy, nhưng tháng này chưa phải là đỉnh điểm. Vào thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường làm cho tảo sinh sôi nhanh, tạo thành một vùng nước xanh đặc bao trùm, trong khi đó, nước thải đổ về suối Cửu Long vào mùa cạn bị đọng lại như vùng nước tù, các sinh vật như chim, cá đều không thể sống được.
Theo thống kê mới nhất, lưu vực hồ Dầu Tiếng hiện có 90 cơ sở sản xuất chăn nuôi heo, chế biến tinh bột mì, mủ cao su, nuôi cá lồng bè, khai thác cát... Trong đó, địa phận tỉnh Bình Phước có 54 cơ sở, lưu lượng xả thải từ 10-9.000m³/ngày đêm, địa phận Tây Ninh 26 cơ sở và Bình Dương có 10 cơ sở với tổng lưu lượng xả thải là
44-3.900m³/ngày đêm. Các cơ sở xả thải đều có giấy phép của Sở TN-MT các tỉnh hoặc xử lý bằng biogas, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng của 19 doanh nghiệp được cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng với khối lượng gần 744.000m3/năm, có thời điểm làm nước bị đục…
Tại khu vực xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng còn có nhiều lồng bè nuôi cá trái phép trên sông. Trong đó, lồng bè lớn nhất có chiều dài gần 200m, được xây dựng quy mô, có hệ thống máy móc đẩy bè đi nơi khác khi bị yêu cầu ngưng hoạt động. Các hộ dân sinh sống trên lồng bè như một ngôi nhà di động và nhà vệ sinh cũng đặt ngay trên bè, chất thải xả thẳng xuống lòng hồ, rất mất vệ sinh nhưng nhiều năm chưa được xử lý.
Nguồn nước hồ Trị An bị đe dọa
Rời hồ Dầu Tiếng, chúng tôi đến hồ Trị An (có vai trò quan trọng trong việc cung cấp và điều tiết chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho nhiều tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM). Có mặt tại bến cá cầu La Ngà thuộc ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi ghi nhận nhiều người dân đem nội tạng động vật bốc mùi hôi thối nồng nặc ra sông để cho cá ăn.
Ông L., một trong những người có thâm niên nuôi cá bè lâu đời nhất tại làng cá bè La Ngà, thừa nhận, để giảm chi phí, ngoài sử dụng bột thức ăn công nghiệp, các chủ nuôi cá còn dùng nội tạng động vật, phân heo, bò làm thức ăn cho cá. Chưa hết, hiện bình quân mỗi bè cá phải sử dụng ít nhất 35 thùng phuy bằng nhựa hoặc bằng sắt đã qua sử dụng trong công nghiệp để kết nối làm bè nổi nuôi cá và cứ hai năm thì phải thay một lần. Đây là một trong những nguồn thải gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hồ Trị An, vì những thùng phuy trên được xem là chất thải công nghiệp nguy hại.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (đơn vị quản lý hồ Trị An), cho biết, theo quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai, đến năm 2020, tổng số bè nuôi ở khu vực hồ Trị An là 650 bè với tổng thể tích bè là 25.000m³. Tuy số lượng bè không vượt quá quy hoạch, nhưng hiện tổng thể tích lồng, bè đã đạt gần 630.000m³, vượt rất xa chỉ tiêu cho phép, chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm cho hồ Trị An.
Nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường trên hồ Trị An, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai phối hợp các địa phương triển khai Đề án quản lý, sắp xếp ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An với mục tiêu khai thác tối ưu nguồn lợi thủy sản từ việc nuôi cá lồng, bè, khai thác tổng hợp tiềm năng mặt nước hồ Trị An. Đây cũng là giải pháp hiệu quả cho tình trạng cá bè chết hàng loạt trên sông La Ngà đã tái diễn nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai đề án trên còn chậm vì nhiều khó khăn vướng mắc và đang chờ ý kiến tháo gỡ của cấp trên.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT và huyện Dầu Tiếng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các hộ dân, doanh nghiệp có nguồn ô nhiễm, xả thải vào hồ. Đối với các hộ dân nuôi cá lồng bè trái phép trên hồ, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục xử lý và phải tổ chức di dời ra khỏi lòng hồ để đảm bảo an toàn và vệ sinh nguồn nước. |