Chiến lợi phẩm “khủng”
Theo hãng tin Sputnik, trên mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh, video về chiến lợi phẩm thu được tại các căn cứ cũ của Mỹ, được các tay súng Taliban đăng tải. Chẳng hạn, ở TP phía Bắc Kunduz có hàng chục xe bọc thép, một xe tăng hạng trung T-55 và một máy bay không người lái Scan Eagle còn đang trong diện sử dụng. Ở TP Mazar-i-Sharif hay Kandahar là các máy bay trực thăng và máy bay tấn công hạng nhẹ…
Theo dữ liệu của bảng tin thường niên TheMilitary Balance, lực lượng Chính phủ Afghanistan từng có 40 xe tăng hạng trung T-55 và T-62, 640 xe bọc thép chở quân MSFV, 200 xe bọc thép MaxxPro và vài ngàn chiếc Humvee. Ngoài ra còn có lượng pháo binh khá hùng hậu lên tới 50 hệ thống giàn phóng tên lửa phản lực Grad, 85 khẩu pháo 122mm D-30, 24 khẩu pháo 155mm M114A1 và khoảng 600 súng cối. Đó là chưa kể đến 22 máy bay cường kích hạng nhẹ EMB-314 Super Tucano, 4 máy bay vận tải C-130H Hercules, 24 máy bay hạng nhẹ Cessna 208B và 18 máy bay phản lực cánh quạt PC-12 của lực lượng không quân Afghanistan... Giờ đây, kho vũ khí “khủng” này đã lọt vào tay Taliban.
Theo các chuyên gia, dù không phải toàn bộ số vũ khí và trang thiết bị quân sự này đều ở trạng thái hoạt động tốt nhưng chỉ cần một phần trong số đó sử dụng được, về cơ bản Taliban đã sở hữu những tiềm lực mới. Trong một đoạn video tuyên truyền, Taliban đã khoe trang bị của chiến binh đặc nhiệm thuộc lực này chẳng kém gì trang bị của lính Mỹ.
Nhiều nguy cơ
Chuyên gia Oleg Glazunov thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học chính trị quân sự của Nga, nhận định, dù Taliban tuyên bố muốn có mối quan hệ hòa bình với các nước nhưng ai có thể biết trước được trong thời gian tới, lực lượng này sẽ làm gì với cả “núi” vũ khí trong tay. Chuyên gia người Nga nhắc lại việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu bành trướng ở Trung Đông sau khi chiếm được các kho vũ khí của quân đội chính phủ Syria và Iraq. Hãng Sputnik thì nêu bật mối đe dọa lớn từ số máy bay mà Taliban thu giữ được đối với an ninh của các quốc gia láng giềng bởi về mặt lý thuyết, mỗi thiết bị bay của Taliban đều là “pháo đài thánh chiến cơ động”, có thể nạp đầy chất nổ và dùng để tấn công.
Chuyên gia Glazunov phân tích thêm nguy cơ từ những phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn từ Afghanistan. Theo chuyên gia này, Taliban “ôm mộng lớn”, có kế hoạch đi xa hơn ngoài lãnh thổ Afghanistan, muốn tạo vành đai các quốc gia Hồi giáo ở vùng Trung Á. Do đó, lực lượng này sẽ không dừng lại sau khi kiểm soát được Afghanistan. Taliban đã chiến đấu hơn 20 năm để đẩy lực lượng quốc tế ra khỏi lãnh thổ quốc gia Tây Nam Á và giờ đây, thêm đồng minh là điều có lợi cho lực lượng này. “Tôi cho rằng, các nước như Nga, Trung Quốc, Iran, Pakistan đều nên cảnh giác bởi nguy cơ bất ổn an ninh rất cao. Thậm chí, khó hình dung kiến trúc an ninh bây giờ dễ sụp đổ như thế nào sau khi Taliban chiếm Afghanistan”, chuyên gia Glazunov nói.
Nhiều nhà phân tích cũng chung nhận định trên khi cho rằng, sau khi Mỹ bỏ lại Afghanistan thì Nga, Iran, Trung Quốc, Pakistan và nhiều nước khác trong khu vực đang phải đối mặt với một mớ hỗn độn nhiều rủi ro.
Theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, đàm phán với lực lượng Taliban chỉ có thể dựa trên mong muốn được cộng đồng quốc tế công nhận để yêu cầu lực lượng này phải thành lập chính phủ mang tính bao trùm và tôn trọng các quyền cơ bản của con người, nhất là đối với phụ nữ. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ để thảo luận về tình hình Afghanistan. Các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới thì kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong việc ứng phó khủng hoảng tại Afghanistan… |