Nỗi lo người trẻ lệch chuẩn - Bài 3: Định hình bộ lọc cá nhân

Khi các thuật toán trên mạng xã hội vẫn dựa vào lượt thích, lượt xem để đưa nội dung “on top” trong hàng triệu nội dung mà các nền tảng này tiếp nhận mỗi ngày, việc đẩy lùi những thông tin tiêu cực phụ thuộc vào bộ lọc cá nhân mỗi người dùng.
Trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa bản địa giúp người trẻ có thêm vốn sống hơn là buộc mình trong những không gian mạng trực tuyến
Trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa bản địa giúp người trẻ có thêm vốn sống hơn là buộc mình trong những không gian mạng trực tuyến

Sự “tiếp sức” đáng sợ

Để một tài khoản mạng xã hội mới nổi nào đó trở thành một hiện tượng “on top” không thể thiếu sự tiếp sức nối dài của các trang tin trực tuyến. Điển hình như vụ việc lừa đảo của cô gái tên N.T.V.A. (sinh năm 1995, ở Bắc Giang), với từ khóa “Anna Bắc Giang” trên công cụ tìm kiếm Google cho ra hơn 2,9 triệu kết quả trong 0,38 giây, dẫn đến các trang tin trực tuyến.

Với từ khóa “T.D.” hay “Anna Bắc Giang”, trang tin kenh. với hơn 8 kết quả hiển thị ở trang chủ, trang tin af. hơn 5 kết quả ở vị trí “hot”, trang tin s.h. có gần 10 kết quả ở vị trí đầu bảng tin “nóng”. Chiều 13-10, thông tin cô gái này bị bắt tạm giam được đẩy lên vị trí đẹp nhất tại trang tin t.n.24h, cùng với đó là hàng ngàn bình luận của người đọc như: “Buồn quá, idol bị bắt rồi”, “Ai mà bị chị lừa là tại người đó ngu, chị không có tội”, “Giọng chị dễ thương lắm, buồn quá à”… Một ví dụ để thấy, những trang tin trực tuyến cũng là một phần nối dài cho những “ông trùm”, “bà chúa” hay “chiến thần” nào đó chễm chệ lên ngôi “idol giới trẻ”. Đó là chưa kể, việc thả nổi phần bình luận của một số bài viết dạng này đã trở thành nơi để một bộ phận người trẻ thể hiện suy nghĩ bênh vực một cách thái quá, lệch lạc.

Điểm sơ qua những trang tin thu hút giới trẻ truy cập, việc giữ và tăng được lượt thích chủ yếu là những thông tin gây sốc nhiều hơn những câu chuyện đẹp, có giá trị lan tỏa. Truy cập bất chợt vào một ngày đầu tháng 10, trang tin kenh., 6 vị trí hàng đầu có đến 4 tin, bài tiêu cực như thách thức antifan của một nam ca sĩ vướng lùm xùm tình ái và MV ca nhạc cổ súy việc tự tử, hotgirl lừa đảo, sự thật màn kịch 17 tỷ hay vạch trần ngoại tình của vợ từ một tài khoản TikTok đang được chú ý... Nếu cứ buông lỏng như thế này, các sản phẩm độc hại sẽ càng tiếp tay cho lối hành xử lệch lạc của một số bạn trẻ.

Bám sát sự dịch chuyển của xu thế mạng xã hội

Từ những con số triệu view, triệu like, chuyện đúng sai không còn quan trọng, đám đông trên mạng xã hội sẵn sàng “ném đá”, hoặc đánh “bay màu” bất kỳ tài khoản nào đó không được số đông hài lòng. Từ việc lập nhóm để antifan nghệ sĩ đến các sự việc tấn công trực tuyến khiến nhiều người ngày càng e dè mạng xã hội. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, trước những tình huống bị tấn công, người dân có thể khai báo với cơ quan công an nơi cư trú... thì với những vụ việc tấn công trực tuyến, nạn nhân đôi khi chỉ biết im lặng để chờ mọi việc lắng xuống.

Ngày 28-5-2021, Bộ TT-TT ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT “Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội” nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây, nhất là 2 mạng xã hội Facebook và YouTube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”. Qua đó khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng; yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, công văn chưa đề cập đến TikTok, một mạng xã hội có cơ chế hoạt động khác biệt so với YouTube và Facebook, đã có từ năm 2016 và xuất hiện ở thị trường Việt Nam từ tháng 4-2019. Đáng nói hơn, hiện nay, chính Facebook và YouTube dường như cũng đã nhanh chóng “học hỏi” cơ chế hoạt động của TikTok, với sự ra đời của Facebook Stories và Youtube Shorts (những video ngắn và được định dạng dọc) và nội dung đăng tải trên Facebook Stories cũng tự mất sau 24 giờ hiển thị… Thực tế này, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tiếp tục bám sát sự dịch chuyển của xu thế mạng xã hội, để có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Quan trọng hơn những chế tài xử phạt, quy định pháp luật, bộ lọc cá nhân của mỗi người chính là sức đề kháng để người trẻ trong nhịp sống số, tự bảo vệ mình trước những nội dung tiêu cực, độc hại… trong sự bùng nổ của mạng xã hội.

Luật sư NGÔ VIỆT BẮC: Bình tĩnh phản kháng tiêu cực


Luật An ninh mạng 2018 có quy định tại khoản 3 Điều 16 về những hành vi xâm phạm đến danh dự của người khác trên không gian mạng bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, pháp luật quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là một trong những “quyền bất khả xâm phạm”, được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định. Do đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, hay bình luận hoặc thực hiện bạo lực mạng dưới nhiều hình thức khác nhằm bôi nhọ, sỉ nhục, xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bên cạnh đó, nếu hành vi đáp ứng đủ điều kiện cấu thành tội danh thì người có hành vi sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị xử lý từ phạt tiền 10 triệu đồng lên đến mức phạt 5 năm tù giam.

Trường hợp nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh bị bạo lực mạng, chúng ta cần tỉnh táo để tránh trường hợp phản kháng lại một cách tiêu cực. Bởi lẽ có thể bạn sẽ không ngăn chặn được ngay lập tức hành vi vi phạm của người khác, mà còn có thể vô tình khiến mình cũng thành người có hành vi xúc phạm, không đúng đắn. Lúc này, để bảo vệ quyền lợi của mình, chúng ta phải mang tất cả thông tin, hình ảnh mình thu thập, lập vi bằng, tới cơ quan công an yêu cầu điều tra về hành vi phạm tội để tìm ra người thực hiện hành vi vi phạm. 


TS NGUYỄN VĂN TƯỜNG - Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM:


Để mạng xã hội không ảnh hưởng tiêu cực đến người trẻ, ngoài việc các cơ quan quản lý ngành báo chí, truyền thông có những cơ chế, chính sách giám sát và xử lý chặt chẽ, thì ngay từ nhỏ, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường cũng cần chủ động cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp khi sử dụng mạng xã hội cho các bạn trẻ. Đặc biệt là, bản thân các bạn trẻ cần nhìn thấy những rủi ro và nguy cơ từ mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội theo cách thông minh, phát huy những giá trị tích cực của mạng xã hội, để mạng xã hội mang lại lợi ích cho mình, phục vụ hoạt động sống của mình, hỗ trợ mình trong học tập, lao động, quan hệ xã hội.


TS NGUYỄN HỮU HẢO - Trường Đại học Hoa Sen:


Dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta có thể từng bước kiểm soát nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đôi khi cũng có một số điểm chưa thể tuyệt đối, ví như thuật toán nhận diện nội dung xấu với một số từ khóa, hình ảnh. Trường hợp tiếng Việt của chúng ta đa nghĩa, tùy theo nội dung, ngữ cảnh mà cùng một từ nhưng lại mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực. Nên đôi khi một số nội dung, hình ảnh không vi phạm gì nhưng không được hiển thị do thuật toán nhận diện nhầm. Lúc đó, tùy vào nền tảng mạng xã hội, sẽ đưa ra một khoảng thời gian cụ thể để người dùng phản hồi. Và hơn mọi thuật toán hay công nghệ kiểm duyệt, chính là ý thức, là bộ lọc thông tin của mỗi cá nhân. Mỗi người tự lọc cho mình và lên tiếng trước nội dung chưa tốt thì những lượt xem, lượt thích vì tò mò sẽ hạn chế dần và không còn, từ đó góp phần đẩy lùi nội dung tiêu cực.


TS VŨ THỊ PHƯƠNG - Phó Trưởng Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TPHCM:


Việc giới trẻ lựa chọn thần tượng hay nội dung để xem, để nghe trên mạng xã hội, chúng ta không thể áp dụng bằng cách ngăn cản hay cấm đoán, mà chỉ có thể định hướng để các bạn tự hình thành cho mình bộ lọc cá nhân, lựa chọn nội dung cũng như thần tượng phù hợp. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng góp phần định hướng người trẻ, giúp các bạn có thể nhận diện và tránh những nội dung chưa tốt.

Tin cùng chuyên mục