“Ngột ngạt” nơi phố núi
“Đà Lạt vẫn đẹp, vẫn còn nét thơ mộng nhưng giờ xây dựng nhiều quá!”, anh Phạm Quốc Trường (du khách TPHCM) chia sẻ. Trong mắt du khách, mỗi lần trở lại Đà Lạt đều thấy nơi đây có thêm các công trình mới, nhưng với những người dân sinh sống lâu năm tại TP Đà Lạt, phố núi giờ đây trở nên “ngột ngạt” bởi vô số công trình xây dựng, hoặc bước khỏi không gian đô thị là đụng nhà kính sản xuất nông nghiệp.
Ngoài khu trung tâm đã chật chội nhà cửa, nhiều ngọn đồi, thung lũng cũng đã bị bê tông hóa, nhà cửa mọc lên san sát. Các khu dân cư Yersin, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Quảng Thừa, An Bình… trước kia chủ yếu là đất nông nghiệp trồng rau hoa và những cánh rừng thông thì nay hầu như đã bị bê tông hóa.
Xa hơn, khu sản xuất nông nghiệp Thái Phiên (phường 12), Vạn Thành (phường 5), bây giờ nhà kính phủ trắng mặt đất và đang tiếp tục “gặm” những cây thông ở khu vực liền kề.
Theo Quyết định số 704/QĐ-TTg của Chính phủ về Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy định khu đô thị trung tâm có tầng cao trung bình tối đa là 3 - 5 tầng (một số công trình điểm nhấn cao trên 5 tầng).
Nhưng không khó để có thể bắt gặp những tòa nhà ngay khu trung tâm TP Đà Lạt xây vượt số tầng và chiều cao, phần lớn đây là những khách sạn phục vụ du lịch.
Việc những tòa nhà mọc san sát đã đẩy mật độ người trong mỗi khu vực ngày càng tăng thêm, kéo theo đó là hệ thống giao thông, nước sạch, nước thải không đảm bảo. Phát triển quá nhanh của các công trình đô thị, kéo theo lượng phương tiện tăng cao, chưa kể lượng lớn xe phục vụ khách du lịch khiến cho giao thông Đà Lạt đang trở nên quá tải.
Hình ảnh phương tiện ùn ứ nối đuôi nhau qua các điểm giao cắt những tuyến đường không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tết mà đã trở nên thường xuyên ngay trong những ngày cuối tuần.
Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến Đà Lạt ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Rừng thông là tài sản vô giá đối với thành phố thì giờ đây hàng ngày bị bức tử bởi bàn tay con người.
Nhắc tới Đà Lạt, nhiều người thường nghĩ về những hồ nước rộng lớn, lãng mạn. Không chỉ hồ Xuân Hương, trước đây Đà Lạt còn có một số hồ khác dọc những con suối lớn, nhưng nay, những hồ nước này bị xóa sổ hoặc bồi lắng, thu hẹp. Những mảng xanh thu hẹp, ngày càng khiến Đà Lạt trở nên ngột ngạt.
Cần giữ nét đặc trưng
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (một người nghiên cứu về quy hoạch Đà Lạt) nhận định, trong vài thập niên qua, Đà Lạt phát triển nhanh nhưng lại mang tính tự phát, trái ngược với sự phát triển nhanh có quy hoạch và chiến lược trước kia.
Do đó, gây nên tình trạng cây xanh và không gian trong khu vực trung tâm ngày càng mất đi, thay vào đó là những khối công trình bê tông làm xấu cảnh quan.
Cần thay đổi suy nghĩ là việc làm hiện đại hóa Đà Lạt chỉ có thể thực hiện qua việc thay công trình cũ bằng các công trình mới. Giá trị thực của Đà Lạt chỉ càng được nâng cao khi xây dựng được khu đô thị mới và cũ mang dấu ấn của các thời kỳ lịch sử đặc thù cho từng khu vực và kết nối với nhau.
Còn theo Giáo sư - Tiến sĩ - Kiến trúc sư Bruno De Meuler (thuộc nhóm nghiên cứu kiến trúc đô thị, Vương quốc Bỉ), dân số tăng và nền kinh tế cần phải tăng trưởng theo. Tuy nhiên, khu vực lịch sử (khu trung tâm) của TP Đà Lạt đã đạt đến ngưỡng chịu tải, những dự án phát triển gần công viên và các tòa nhà cao tầng đang đánh đổi cái duyên dáng của trạm nghỉ dưỡng trong khung cảnh rừng thông và hồ nước.
Đà Lạt cần được nâng cấp và bảo tồn, kết nối khu vực mở rộng bằng giao thông công cộng. Cuối cùng là triển khai những chương trình trồng rừng sau những khu vực nhà kính.
Trong Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cũng nêu, quá trình san nền phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa việc đào đắp và đảm bảo yêu cầu thoát nước đô thị, bảo vệ mặt phủ tự nhiên, không bị ảnh hưởng của các tác động bất lợi của thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng cần hết sức quan tâm đến địa hình đặc thù của Đà Lạt, cần bảo vệ những điểm cao và các đường cong của ngọn đồi, để duy trì cho bằng được hình dạng căn bản của một thành phố cao nguyên. Không nên tạo ra những rào cản kiến trúc che khuất các góc nhìn đối với những cảnh quan thiên nhiên rất đặc trưng của Đà Lạt. Bảo tồn vốn rừng và phát triển cây xanh cho Đà Lạt, đặc biệt là rừng thông.
“Cần duy trì bằng được môi trường sinh thái của các hồ nước thiên nhiên và nhân tạo của thành phố, bảo vệ các thủy vực, chống bồi lắng. Để phục vụ cho mục đích này rất cần quy hoạch lại các khu sản xuất nông nghiệp, trồng rau hoa tại những vị trí phù hợp”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong quy hoạch phát triển khu vực đô thị Đà Lạt, ngoài hình thành các đô thị vệ tinh thì xu hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉnh trang lại khu vực trung tâm, mở rộng dân cư ra các vùng phía Bắc và Đông Bắc của thành phố gồm các phường 7, 8, 9, 11, 12. Tại các vùng mở rộng, chiều cao xây dựng tối đa sẽ được tăng thêm lên 7 - 8 tầng, thay vì 5 tầng như khu trung tâm. Hiện nay, những khu vực đang có mật độ cư dân sinh sống cao sẽ hạn chế việc xây chung cư, nếu có thì cũng phải được xây dựng ở vùng ngoài trung tâm. Ngoài ra, trong tương lai sẽ hạn chế cư dân mới thường trú ở khu trung tâm bằng việc mở đường vành đai ra các vùng ven, tạo sức hút tại những vùng này bắt đầu từ hạ tầng giao thông. |