Viện đủ lý do
Tình huống cô bạn Huyền Trang trên đây gặp không hiếm trong đời sống hiện nay, khi mà ngày càng nhiều lý do để mỗi con người thờ ơ với xung quanh, với cộng đồng. Dĩ nhiên trường hợp nếu ai đó không may gặp nạn giữa đường và ai cũng dừng lại để giúp đỡ thì hệ lụy như gây ùn ứ xe cộ, giao thông hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng thực tế, một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay lại mang tâm lý thà bỏ qua để đỡ làm phiền xã hội thì ít, mà đỡ phiền hà bản thân lại nhiều.
Minh chứng là những vụ ẩu đả ngay trong lớp học hoặc trên đường phố có hàng chục người đứng vây quanh hết lớp này đến lớp khác để xem, để quay phim, chụp hình tung lên mạng nhưng không mấy người lên tiếng can ngăn. Nạn nhân phải chịu đau đớn vì những trận đòn thập tử nhất sinh, những ê chề giữa vòng vây người đứng xem và rồi đây sẽ còn phải đối mặt với con mắt dị nghị của hàng triệu cư dân mạng.
“Tôi đã từng chứng kiến một vụ va quẹt xe giữa hai thanh niên vào giờ tan tầm, sau đó người này lao vào đánh người kia tới tấp. Chứng kiến cảnh đó, mình tôi can ngăn không được nên cầu xin mọi người giúp đỡ, nhưng đáp lại là những tiếng còi xe thúc giục, là những con mắt vô cảm đang đứng nhìn, có người còn livestream với vẻ hào hứng, thích thú. Đâu đó có người nói vọng vào với giọng dè bỉu, họ còn khuyên tôi đừng tham gia vào chuyện thiên hạ. Tôi loay hoay trong đám đông ấy, chỉ đến khi người yếu thế bỏ chạy thì trận ẩu đả mới kết thúc, ai nấy nhích từng chút một để thoát khỏi dòng xe đang ùn ứ”, Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ quận 2) tâm sự.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước cũng đang bị rơi vào vòng xoáy của sự thờ ơ, bàng quan với xung quanh. Đơn cử như vụ một bé gái 15 tuổi bị hiếp dâm tập thể tại Chicago và bị livestream trên Facebook là một ví dụ. Livestream có 40 người xem nhưng không ai báo cho cảnh sát.
Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với người trẻ tại TPHCM trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi qua mạng xã hội, hầu hết đều cho rằng, những chuyện không phải của mình thì tốt nhất đừng dính vào để tránh phiền phức. Từ những suy nghĩ ấy, dần dà trở thành thói quen thờ ơ của người trẻ, ngại đưa ra quan điểm, ngại nhắc nhở nhau, ngại làm người tốt.
Áy náy thoảng qua
“Tôi nghe lời bạn, sợ mình dừng lại sẽ gây kẹt xe, rằng mình là con gái cũng không giúp gì được họ nên đành phóng qua. Thế nhưng, trong thâm tâm, tôi vẫn áy náy, giá như mình dừng lại đỡ người ta dậy, để họ không cảm thấy chơ vơ giữa đường, hoặc chí ít dừng lại để biết chắc ai đó đã giúp họ thì cũng nhẹ lòng. Đằng này tôi cứ áy náy không biết hàng trăm người lưu thông trên phố, có ai đó không sợ làm phiền đến xã hội như mình, có ai đó dừng lại giúp chị?”, Huyền Trang tâm sự.
Tâm lý áy náy hầu hết mọi người đều có, thế nhưng sau áy náy sẽ là gì? Cũng có người cho rằng, lần sau mình sẽ hành động khác, nhưng trong số những bạn trẻ chúng tôi đã khảo sát, phần lớn cho biết, họ cũng từng áy náy đôi ba lần với những tình huống đã gặp trong cuộc sống, nhưng vài giờ sau là hết, bởi cuộc sống có quá nhiều thứ phải bận tâm, không có chỗ dành cho những suy nghĩ vu vơ về chuyện của thiên hạ. Thậm chí, có bạn còn cho rằng, người tham gia vào chuyện của thiên hạ có chăng là vì mục đích riêng của bản thân.
Đơn cử như câu chuyện một bạn nữ ở Nghệ An âm thầm tìm cậu bé đánh giày để tặng chiếc áo rét được một người khác vô tình ghi hình lại và đăng Facebook. Tưởng đâu sẽ là câu chuyện đẹp có sức lan tỏa tới bất cứ người trẻ nào khi đọc dòng tin ấy. Thế nhưng không hẳn vậy, bên cạnh những lời nhắn cảm kích vì hành động ấy thì có không ít lời ngờ vực về mục đích của lòng tốt.
Sự vô cảm đáng sợ đi cùng với thói hoài nghi đang dần biến người trẻ thành đối tượng dễ tiếp cận với thế giới, nhưng ngày càng co mình lại trong tâm hồn. Ai đó đã từng nói, ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện là: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác và chia sẻ cùng người khác. Cuộc sống mãn nguyện không có chỗ cho sự thờ ơ!