Đau đầu chuyện thiếu - thừa
Nhìn vào hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật lĩnh vực sân khấu truyền thống dễ thấy sự hụt hẫng quá lớn đội ngũ kế thừa. Dù hàng loạt chương trình nghệ thuật thuộc lĩnh vực sân khấu vẫn trình làng nhiều gương mặt mới, gương mặt trẻ tiềm năng, nhưng những gương mặt này hiện đa số chỉ dừng lại ở việc phô diễn chất giọng là chính.
Thực tế, khi đạt được một vài giải thưởng từ các cuộc thi hát, sân chơi đờn ca tài tử, cải lương, hầu hết những giọng ca mới nhanh chóng xuất hiện trong nhiều chương trình, show diễn để kiếm sống và để thể hiện thế mạnh giọng hát qua những tác phẩm ca cổ, tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương đơn giản. Đội ngũ này hiện nay ngày càng nhiều. Trong khi đó, yêu cầu của sàn diễn cải lương không chỉ có giọng hát, nghệ sĩ sân khấu đích thực luôn phải hội đủ cả yếu tố ca và diễn, mà vấn đề diễn xuất thực sự vô cùng khó, luôn đòi hỏi sự chui rèn, tập luyện, tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm...
Với không ít nghệ sĩ sân khấu đã định hình được tên tuổi thì vì cuộc sống nên chỉ mải miết chạy show. Riêng công việc đào tạo của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, với một lớp cải lương (thời gian 3 - 4 năm) thật ra chỉ sử dụng được 50%, nhưng khi đào tạo phải ký kết bảo đảm là nhận hết thì các em mới tham gia. Như thế, ngay cả công tác đào tạo cũng mang tính chất vừa thừa vừa thiếu.
Chuyện thừa diễn viên trẻ nhưng vẫn luôn thiếu những nghệ sĩ giỏi nghề là vấn đề thực tế của lĩnh vực sân khấu truyền thống cải lương. Còn với hát bội, thực trạng còn đáng lo hơn. Từ năm 2000 đến nay, các khóa đào tạo và công tác tuyển người của nhà hát chỉ dừng lại ở con số hơn 10.
NS Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, trăn trở: “Lực lượng trẻ của nhà hát hiện chỉ có 14 diễn viên và 2 nhạc công, còn lại là anh em nghệ sĩ kỳ cựu, lớn tuổi, rất nhiều người đang chuẩn bị về hưu. Như vậy, sau vài năm nữa, khi nhiều anh em rời sàn diễn, đội ngũ nghệ sĩ nhà hát sẽ thiếu hụt trầm trọng vì lực lượng diễn viên kế thừa quá mỏng. Chưa kể, việc tìm một nhân sự đủ trình độ, chuyên môn, năng lực, để kế nhiệm công tác quản lý nhà hát cũng rất nan giải”.
Một cảnh trong vở "Hiu hiu gió bấc" của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Làm căng, diễn viên sẽ nghỉ hết!
Nguồn nhân sự kế nhiệm cũng là điều đáng lo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vì làm lãnh đạo phải đủ chuẩn, chịu hy sinh nghề ca diễn để chuyên tâm với công tác quản lý. Trong biên chế hiện nay, nhà hát có 3 đoàn nhưng mỗi đoàn chỉ 2-3 nhạc công, mức lương trung bình của diễn viên chỉ 4-5 triệu đồng/tháng, mỗi đoàn được cấp khoảng 300 triệu đồng/năm để đầu tư dàn dựng vở. Trong khi đó, ở Hà Nội, các vở mới thường được chi ngân sách đến cả tỷ đồng để dàn dựng. Dù hiện nay ngân sách đã cắt giảm bớt, nhưng mỗi vở vẫn có được kinh phí đầu tư lên đến 700 triệu đồng. Một sự chênh lệch rất lớn trong đầu tư hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật giữa hai miền Nam - Bắc.
Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tâm tư: “Tại TPHCM, diễn viên chính sân khấu cải lương hiện nay đếm được trên đầu ngón tay. Thế hệ Kim Tử Long, Thanh Ngân, Thoại Mỹ... nay đã không còn trẻ. Mấy em trẻ giờ thì chỉ có giọng ca. Chưa kể, tác giả không có, đạo diễn không có. Như thế, nguy cơ của cải lương là chính nó chứ không phải là khán giả. Hầu hết anh em âm thanh ánh sáng giỏi đều bỏ sân khấu cải lương. Một số diễn viên vô nhà hát chỉ để lấy tên nhà hát chạy show. Ở một thời gian, các em nghỉ rồi vẫn xưng là diễn viên nhà hát để kiếm show đi hát mà không ai kiểm chứng. Việc tập tành vở diễn hiện nay cũng gặp nhiều cái khó. Ngay cả hậu đài còn góp ý với nghệ sĩ, diễn viên về việc không thuộc tuồng, như thế làm sao diễn hay được. Đó chính là vấn nạn, nhưng rất khó thay đổi. Nhà hát cũng không thể làm căng, làm căng các em nghỉ hết”.
Trong tình hình chung, ở khu vực phía Nam, các đoàn cải lương tỉnh Long An, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang (tổng hợp), Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... cũng đang lây lất sống. Hầu hết các đoàn tỉnh thường ở không, ngồi chơi, ngoại trừ diễn phục vụ vùng sâu vùng xa với nội dung tổng hợp. Việc các nhà hát tỉnh chỉ chờ đến mùa hội diễn hàng năm mới xây dựng vở chính là bi kịch của lĩnh vực sân khấu truyền thống trong nhiều năm qua.
Đầu tư chiến lược cho sân khấu
Ở một số chương trình sân khấu xã hội hóa diễn ra trong vài năm gần đây đã chứng minh, khán giả yêu quý sân khấu luôn có, bằng chứng là nhiều chương trình đã “cháy” vé hoặc bán gần hết số vé tung ra. Mới đây nhất, tại rạp Công Nhân, NSƯT Hữu Quốc cùng một số người bạn, một số nghệ sĩ tên tuổi của làng sân khấu cải lương đã bắt tay nhau cùng thực hiện đêm gala Hội ngộ tài năng 1, với sự tham gia trình diễn của NSƯT Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Phượng Loan, Tú Sương, Quỳnh Hương; NS Hồng Nga, Thanh Hằng, Thanh Loan, Thu Vân, Lê Thanh Thảo, Ngọc Nga… Khán giả yêu mến nghệ sĩ và sân khấu cải lương đã đến ủng hộ chật rạp, cùng thưởng thức một loạt các trích đoạn cải lương hấp dẫn: Tiếng trống Mê Linh, Câu thơ yên ngựa, Dòng đời, Duyên kiếp, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài… Tuy nhiên, hoạt động sân khấu xã hội hóa cải lương không phải lúc nào cũng có, không thể diễn định kỳ, thường xuyên, nên không thể là cứu cánh cho sân khấu TP.
Nhiều nghệ sĩ than thở: “Giờ làm cải lương toàn là kiến nghị, phải kêu gọi người ta thương mình, giúp đỡ, ban bố cho mình. Cứ như thế mãi thật mệt mỏi. Tình hình sân khấu vì thế cũng vô cùng nan giải”.
Với một chuỗi những nghịch lý chưa thể giải quyết đang tồn tại của lĩnh vực sân khấu truyền thống, thật rất khó mà thu hút được nguồn nhân lực tài năng, giỏi nghề cùng chung sức vì sân khấu. Đến một lúc, khi không còn hội đủ những điều kiện cần thiết cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống, từ con người đến vật chất, ắt hẳn, sân khấu truyền thống sẽ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp của quá khứ!
NSND Trần Ngọc Giàu lo lắng: “Đáng lo lắm nếu TP không có một giải pháp đồng bộ, hợp lý. Cụ thể là một sự đầu tư về chiến lược lâu dài cho sân khấu truyền thống tại TPHCM. Muốn giữ cải lương thì phải giữ con người trước. Nhà nước phải có chế độ chính sách đặc biệt đối với những người làm nghề sân khấu cải lương và tuyển chọn chất lượng những gương mặt nghệ sĩ trẻ để Nhà nước đầu tư. Khi có định hướng, chiến lược cụ thể, nhà hát sẽ rút gọn lại nhân sự, chọn những gương mặt nghệ sĩ giỏi để trả lương, dựng vở cho các em diễn thường xuyên, có như thế sẽ bớt sự chi phối của các em với các show diễn bên ngoài. Mặt khác, hoạt động thông tin truyền thông cũng phải được chỉ đạo làm đồng bộ, phải có giờ khung đẹp dành cho cải lương, cho nghệ thuật dân tộc, giúp khán giả dễ xem, chứ không nên đưa lên sóng các chương trình nghệ thuật truyền thống vào lúc giữa đêm khuya, như thế thì ai xem?”