Nỗi lo khủng bố ở châu Á

THANH HẰNG

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry B.Harris, cảnh báo rằng, sau thất bại nặng nề ở Trung Đông, các tay súng cực đoan của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đến từ Bangladesh, Indonesia, Malaysia và các nơi khác có thể hồi hương để  thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Chỉ riêng trong năm vừa qua, tổ chức khủng bố IS có ý định tấn công người dân ở các nước như Bangladesh, Indonesia và Philippines, Malaysia. Khu vực Đông Nam Á từng chứng kiến cuộc tấn công đẫm máu đầu tiên của IS ở Jakarta vào hồi tháng 1-2015, khiến 4 dân thường thiệt mạng. Chuyên gia về các mối đe dọa xuyên quốc gia Thomas Sanderson, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cũng nhận định, hiện nay nhiều tay súng từ châu Á từng tham chiến tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi đang trở nên nguy hiểm hơn khi quay về nước vì với kinh nghiệm tại Trung Đông, các tay súng sẽ thuận lợi trong việc huấn luyện và truyền bá tư tưởng cho các thành viên khác để thực hiện các cuộc tấn công trong nước.

Bên cạnh đó còn là nỗi lo việc mạng lưới khủng bố này có thể lan rộng khắp châu Á - Thái Bình Dương vì ngày càng nhiều phần tử khủng bố ở khu vực này bày tỏ sự quy thuận IS. Hiện nay, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cộng với việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng tin nhắn có thể giúp IS tăng nhanh dòng binh sĩ đến từ các quốc gia Hồi giáo tại châu Á. Một trung tâm nghiên cứu chính trị có trụ sở ở Jakarta (Indonesia) từng đưa ra  lời cảnh báo tương tự và cho rằng tại Đông Nam Á, mối nguy hiểm chính nằm ở miền Nam Philippines, nơi một số nhóm Hồi giáo cực đoan tuyên thệ trung thành với IS, trong đó có nhóm khủng bố nguy hiểm Abu Sayyaf.

Còn theo trung tâm chống khủng bố quốc gia Indonesia, các chiến binh thánh chiến ở khu vực này có thể nhen nhóm mối họa khủng bố trong nước bằng cách phát triển những mối quan hệ mới với các nhóm thánh chiến được tài trợ, vũ trang và tổ chức tốt ở Trung Đông như IS và sẵn sàng để IS tham gia vào khu vực lãnh địa của mình. Một trong số những kẻ ủng hộ đó là Abu Bakar Bashir, từng sáng lập nhóm Hồi giáo cực đoan Indonesia Jemaah Islamiyah (JI)  gây ra các vụ đánh bom chết chóc trong những năm 2000, vụ đánh bom khách sạn Marriot năm 2003, vụ đánh bom Bali năm 2005… Ước tính hiện nay cho thấy, khoảng 600 công dân Indonesia và Malaysia đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cảnh báo rằng IS có thể sẽ lập một căn cứ ở châu Á. Trong đó, Đông Nam Á đang là “điểm nóng”  vì nằm trong kế hoạch tuyển binh của IS.

Để đối phó với mối nguy hiểm này, chính phủ các nước Singapore, Australia, Malayisa và Philippines đồng loạt nâng cao mức cảnh giác an ninh và giám sát các phần tử tình nghi có hỗ trợ cho IS để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, theo giới phân tích, để kế hoạch chống khủng bố hiệu quả hơn, cần phải có sự hợp tác chia sẻ về thông tin giữa các quốc gia để giảm thiểu những nguy cơ tác động của các cuộc tấn công khi chúng xảy ra. Các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên chú ý đến việc xây dựng sự hợp tác ở cấp độ mới nếu muốn tiếp tục ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của chủ nghĩa khủng bố khi nó đang đe dọa đến sự phát triển trong toàn khu vực.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục