Ngày 7-1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố cải chính thông tin về quyết định của Washington rút quân khỏi Iraq được nêu ra trong bức thư mà Chính phủ Mỹ gửi nhầm cho Chính phủ Iraq, thông báo các bước chuẩn bị cho việc triệt thoái quân Mỹ khỏi nước này. Bức thư có nhắc đến nghị quyết của Quốc hội Iraq yêu cầu chính phủ nước này “trục xuất” các lực lượng nước ngoài khỏi Iraq sau vụ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani.
Để giải tỏa cảm tưởng là “mạnh ai nấy chạy”, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Iraq “sẽ là điều tệ hại nhất đối với Iraq, do mối đe dọa của nước láng giềng Iran”. Tổng thống Mỹ còn nói thêm: “Đến một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ rời đi, nhưng thời điểm đó chưa đến”.
Liên quân quốc tế chống IS chủ yếu là lực lượng Mỹ với 5.200 quân, còn lại là Canada (500 quân), Anh (400 quân), Pháp (200 quân) và Đức (120 quân). Trước động thái của Mỹ, liên minh này bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Nhiều quốc gia đã xét lại sự tham gia của họ ở Iraq.
Trước mắt, Pháp cho biết sẽ ở lại Iraq, nhưng Canada và Đức ngày 7-1 vừa qua đã thông báo tái bố trí một phần lực lượng của họ sang Jordan và Kuwait. Ủy viên của Quốc hội Đức đặc trách các lực lượng vũ trang Hans-Peter Bartels tuyên bố: “Chúng tôi rất muốn trợ giúp Chính phủ Iraq, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận những rủi ro quá lớn cho lực lượng của chúng tôi chừng nào mà tình hình chưa được làm sáng tỏ”.
Những hành động kể trên là một vố đau mới đối với liên minh quốc tế chống IS ở Iraq, vào lúc mà các chuyên gia liên tục cảnh báo về nguy cơ “bóng ma” IS trỗi dậy trở lại. Cho dù lãnh thổ của IS trên đất Iraq và Syria đã bị xóa sổ, nhưng tổ chức khủng bố này vẫn còn rất nhiều chiến binh hoạt động bí mật. Nếu quân Mỹ rút đi, lực lượng của các nước khác trong liên quân chống IS chắc chắn không thể trụ lại được.
Nhà phân tích Elie Tenenbaum, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ ngoại giao Pháp, bi quan: Mỹ có thể rút đi bất cứ lúc nào vì những chính trị gia Shiite từ chối ký một hiệp định quốc phòng hỗ tương Mỹ - Iraq. Mỹ triệt thoái quân là dấu hiệu phe thân Iran nắm toàn quyền. Lúc đó, IS thuộc hệ phái Sunni, sẽ khai thác mâu thuẫn giữa 2 hệ phái, lôi kéo một bộ phận dân Iraq ủng hộ và sẽ hồi sinh.
Adel Bakawan, một chuyên gia người Kurd, nhận định, không phải chỉ có Mỹ phân tâm mà không một ai ở Iraq chiến đấu chống IS, nhất là người Kurd vì họ thất vọng bởi sự phản bội. Người Kurd ở Iraq đòi hỏi phải có một thỏa thuận chính trị trước. Họ không muốn đổ xương máu bảo vệ lãnh thổ để rồi sau đó trao cho phe Shiite kiểm soát.
Chia sẻ quan điểm với các chuyên gia trên, ông Hans-Peter Bartels cảnh báo, nếu lực lượng quốc tế rút, Iraq sẽ một mình đối đầu với IS. Trong trường hợp đó, không loại trừ khả năng là tình hình sẽ trở lại giống như năm 2014, khi phe thánh chiến Hồi giáo chiếm đến 1/3 lãnh thổ Iraq và nhiều vùng đất ở Syria.