Thế nhưng, trong hẻm cụt lại có bất an về phòng cháy chữa cháy, vì lối thoát là đường hẻm cụt, lại thường bị bày hàng hóa, bàn ghế để kinh doanh, xe gắn máy để tràn lan. Đó cũng là nguyên nhân thường gây bất hòa giữa các cư dân.
Người dân ở hẻm 24 Học Lạc mong muốn lối đi thông thoáng hơn
Lối chung, quyền lợi riêng
Con hẻm 235 đường Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) là hẻm nhỏ và cụt. Một số hộ dân ở đây mở bán cháo vịt, chè, cà phê... ngay trong hẻm. Giờ cao điểm sáng và chiều, dọc con hẻm dựng cả dãy dài xe máy, vừa là xe của khách, vừa là xe của các hộ dân trong hẻm. Do vậy, ai đi xe máy ra vào phải luồn lách khéo léo để tránh va chạm. Ông Trương Văn Thuyên (cư dân trong hẻm) cho biết: “Tôi về đây thì đường hẻm đã náo nhiệt như vậy rồi. Lẽ ra phải giữ hẻm thông thoáng, nhưng vì tình làng nghĩa xóm nên bà con cũng thông cảm cho việc dựng xe máy ở lối đi”.
Hẻm 35 đường Mê Linh (phường 19, quận Bình Thạnh) rộng hơn, với bề ngang hơn 5m, nhưng cũng là hẻm cụt. Ngay đầu hẻm có quán cà phê và đối diện là phòng tập gym. Con hẻm trở thành nơi để xe của khách. Cụ Huỳnh Văn Đặng (cư dân trong hẻm) cho biết: “Vì cuộc sống, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các hộ kinh doanh, cho khách để xe trong hẻm. Tuy nhiên, trong hẻm có vài hộ có ô tô, có nhiều người già sinh sống. Do vậy, đường hẻm phải thông để khi hữu sự dễ di chuyển. Chúng tôi chỉ chấp nhận xe máy dựng xéo xéo và chỉ một hàng. Một vài lần, chúng tôi đã góp ý với chủ tiệm gym nên thực hiện tốt việc này, nếu không khắc phục thì chúng tôi sẽ phản ánh với chính quyền địa phương”. Việc để xe máy phải chừa lối đi là quy định bất thành văn, trước đây chủ hộ bán cà phê xây bệ xi măng, đặt mấy chậu kiểng ngay đầu hẻm, người dân bức xúc phản ánh với chính quyền địa phương. Sau cuộc họp, bệ xi măng đã được đập bỏ, mấy chậu cây phải di dời.
Mất an toàn phòng cháy
Cũng như các con hẻm kể trên, nhưng hẻm 24 Học Lạc (phường 14, quận 5) có vẻ lộn xộn. Con hẻm có chiều ngang khoảng 4m, phía trước hẻm là xe bán thuốc lá và một quầy bán mỹ phẩm. Lối vào hẻm nhỏ hẹp hơn, do có quán cà phê và hàng ăn. Phần hẻm chung trở thành nơi để xe của hơn 20 hộ dân. Bên trong con hẻm, xe máy đậu san sát. Đã vậy, ai cũng cố tranh thủ giành một chút xíu đất hẻm phía trước nhà để đặt vài chậu cây kiểng. Trên đầu thì dây điện, dây tín hiệu giăng mắc khắp nơi như mạng nhện. Hoạt động bán buôn ở chợ đầu mối thuốc lá và đồ gia dụng đã lan vào con hẻm nhỏ này. Một căn hộ đã lấy nhà mình vừa làm kho hàng vừa là nơi trưng bày hàng hóa, khiến con hẻm khá náo nhiệt chuyện mua bán và không đảm bảo an toàn phòng cháy. Một vài hộ dân đã có ý kiến về việc này với chính quyền địa phương và gửi thư phản ánh đến Báo SGGP.
Để giảm nỗi lo hẻm nhỏ, ngõ cụt, nhiều người dân đề nghị các phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cần quan tâm kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, chấn chỉnh tình trạng bãi xe máy và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các hẻm nhỏ không đảm bảo an toàn phòng cháy. Chính quyền các phường, khu phố, tổ dân phố nên nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh trong hẻm cẩn trọng, không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại khu vực để hàng hóa; không bày biện hàng hóa, để phương tiện cản trở lối thoát nạn. Với lối đi nhỏ hẹp và bị lấn chiếm, hậu quả sẽ rất nặng nề nếu xảy ra cháy nổ.
Khi nghe chúng tôi hỏi, bà Phạm Thị Hồi, Tổ trưởng Tổ dân phố 43, kể: “Từ khi chấn chỉnh trật tự lòng lề đường thì hoạt động buôn bán phía ngoài đường chuyển vào trong hẻm, nên tình hình có náo nhiệt. Chúng tôi có nhắc nhở hộ bán cà phê và thuốc lá, họ đã thu hẹp lại, bàn ghế kê sát tường. Trong hẻm có chú Từ Ngưỡng Chí sử dụng căn nhà của mình để trưng bày hàng hóa và bán buôn tại đó, nên nhiều lúc người mua hàng để hàng lấn chiếm lối đi, chúng tôi đã nhắc nhở chấn chỉnh. Cái lo nhất là bãi xe trong hẻm, không đảm bảo an toàn phòng cháy”. Thực tế nỗi lo của cư dân hẻm 24 Học Lạc là có cơ sở, cũng như tại nhiều khu dân cư ở các quận nội thành TPHCM, trong hẻm có bao nhiêu người lớn thì có ngần ấy xe máy. Dù các hộ đã chấp hành trang bị thêm bình chữa cháy; sắp xếp lối đi chung… nhưng nguy cơ về cháy nổ tại bãi xe trong hẻm rất khó lường. Nhất là lối đi chung, vốn đã không rộng rãi lại đang bị lấn chiếm để hàng hóa, dựng xe máy.