Chuyện cái tủ lạnh
“Căn bếp master chef”, tên mà mấy đứa nhỏ đặt cho gian bếp nhỏ nhà chị Nguyễn Ngọc Thoa (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) luôn đầy ắp tiếng cười ngày tết. Ra tết được vài ngày, chị Thoa mới bắt đầu lo lắng thật sự khi mở tủ lạnh, cả đống đồ ăn làm sẵn lẫn chưa chế biến nằm ken đặc trong ngăn đông.
Trước tết, do làm nội trợ, không đi làm nên chị Thoa có nhiều thời gian để lo chuyện bếp núc. Với quan điểm từ thời cha mẹ là tết phải đủ đầy, nhất là mâm cúng; rồi mấy ngày tết không nên đi chợ mua bán, nhà phải sắm sửa đủ, chị “tha” về đủ loại thực phẩm.
Chị kể: “Một ngày tôi đi chợ 3 lần, thiếu gì là lại phóng đi, đến mức anh bảo vệ ở khu chung cư còn ghẹo tôi suốt. Nhưng cái tật nhiều năm nay vậy rồi, không bỏ được. Tết này hạn chế thăm thú vì ngại dịch nên cả nhà toàn ở nhà thôi. Bởi vậy, tôi nghĩ sắm sửa cho đủ đầy cũng tốt”.
Đến mùng 10, ngăn đông tủ lạnh nhà chị Thoa vẫn… không thiếu thứ gì. Góc nhà nơi để bánh trái, mứt tết cũng còn nhiều đồ chưa dùng tới. Giờ là lúc anh Nam, chồng chị, cằn nhằn: “Năm nào cũng can mà cổ có nghe đâu, tha về quá trời quá đất, nhiều khi cả 1-2 tháng sau, ăn còn chưa hết. Đầu năm ăn đồ cũ ròng rã riết cũng ngán. Nói thiệt, đi làm, ai rủ đi lai rai vài ly là tui đi ngay, chớ về nhà ăn hoài mấy món đó, không ngán mới lạ”.
Không phải chỉ mỗi gia đình chị Thoa, câu chuyện trữ đồ tết xuất hiện ở nhiều gia đình Việt khác. Như một thói quen, quan niệm “đủ đầy ngày tết” cứ thế hiện diện ở gia đình Việt. Mà đồ ăn để càng lâu càng ngán, chưa kể mất hết dinh dưỡng chỉ vì trữ tháng này qua tháng khác trong tủ lạnh.
Chị Minh Anh (chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) nói thêm: “Năm nay, vụ trữ đồ này càng phát triển mạnh. Nhiều nhà ngại dịch nên không ra ngoài. Rồi việc giãn cách kéo dài vừa qua được nhiều bà nội trợ cho là một… kinh nghiệm xương máu. Nhiều gia đình sắm tủ đông, nâng cấp tủ lạnh để trữ đồ cho an tâm. Cứ thế, có tủ thì phải xài, không lại tốn điện. Đồ ăn thức uống cứ thế được bà nội trợ tha về đầy tổ…”.
Và… chuyện tăng cân
Lo cái tủ lạnh 1 thì lo tăng cân 10. Đây là chuyện mà mấy bà nội trợ lẫn các đức ông chồng lo lắng nhất hậu tết.
“Tăng vài cân thì không nhằm nhò gì, mà tăng xong xuống hổng nổi mới đáng lo kìa”, chị Hai Xinh, tiểu thương chợ Vườn Chuối nói với sang hàng bên cạnh. Chị nói như phân bua: “Thiệt là tết sợ nhất vụ tăng cân. Mà hổng tăng mới lạ. Toàn những thịt kho, gà qué, giò chả… Chuẩn bị mâm cúng ông bà tươm tất; rồi hậu cúng là mâm đồ nhậu bắt mắt cho ông xã thì kiểu gì cũng hiểu nha. Giảm cân gì nổi”.
Bà bán vải may áo dài ở sạp bên cạnh cũng đồng tình: “Đồ ăn mấy đứa nhỏ đặt online rồi xách về quá trời quá đất. Chẳng lẽ cất hoài tủ lạnh sao đặng, thế là đem ra ăn thôi, để hết tết còn đi bán. Bỏ thì thương, vương thì tội, kết quả tăng thêm mấy ký mỡ. Kiểu này cả ngày ngồi bán hàng như vầy thì giảm cân sao đặng…”.
Đó là nỗi lo của các bà nội trợ, còn với các ông thì chuyện vòng bụng to ra vì bia rượu ngày tết cũng đáng lo không kém. Anh Nguyễn Hiệp (TP Thủ Đức, TPHCM) sinh hoạt trong group “Tôi yêu xe đạp” 2 năm nay, chia sẻ: “Từ mùng 6, nhóm tụi tui đã tập trung đông đủ để đạp xe rèn luyện sức khỏe. Trước tết, hôm chạy xe cuối là ngày 28, anh em ai cũng dặn nhau… ráng uống ít ít, giữ dáng ra tết còn đi chơi khi bớt dịch. Vậy mà tới mùng 5, có mấy ông đã than vãn là mấy ngày tết uống suốt, ăn cũng nhiều, sợ tăng huyết áp, “bệ dáng” này nọ. Vậy là mùng 6 tụi tui tập hợp nhau lại, đạp cuốc đầu năm tận 2 giờ, trước tết chỉ đạp hơn 1 giờ thôi. Giờ tuổi lớn rồi, ai cũng sợ, nhưng không ai nhịn được ăn nhậu thì đành chịu chứ sao bây giờ…”.
Đó cũng là lý do, ra tết, nhiều phòng tập gym, thể dục thẩm mỹ và yoga tăng lượng khách đáng kể. Sau mấy ngày tết tích lũy bia rượu, mỡ thừa, giờ là lúc hăng say tập luyện để giảm cân, lấy dáng. Đường dài chẳng biết ai sẽ giảm được cân, ai sẽ lấy lại dáng, nhưng nỗi lo hậu tết… là có thực.