Tham dự có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM; Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng hơn 100 nữ công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN.
Tại buổi đối thoại, nhiều nữ công nhân bày tỏ lo lắng về nạn bạo hành, lạm dụng trẻ cũng như nơi giữ trẻ. Hầu hết nữ công nhân đang vướng vào vòng lẩn quẩn: đi làm, tăng ca, không có thời gian chăm sóc con cái, ít có điều kiện vui chơi giải trí.
Nữ công nhân Nguyễn Thị Mỹ Linh làm việc tại KCX Tân Thuận nêu lên thực trạng chung mà nhiều công nhân quan tâm, đó là hiện nay KCX Tân Thuận chỉ có 1 nhà trẻ tiếp nhận được hơn 500 trẻ, trong khi đó nhu cầu gửi con của công nhân rất đông nên hầu hết công nhân phải gửi con tại các trường tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
“Hiện công nhân phải thưởng xuyên tăng ca đến 19 giờ, trong khi đó các trường công lập chỉ giữ trẻ tối đa đến 17 giờ 30 phút. Ngoài ra, dịp hè chúng tôi cũng rất lo lắng vì không biết gửi con ở đâu. Nhiều người loay hoay tìm nơi gửi con với giá cao hoặc bấm bụng gửi con cho hàng xóm hay gởi về quê nhờ ông bà chăm giúp. Tôi đề xuất các cấp lãnh đạo có chính sách xây thêm trường mầm non trong các KCX-KCN cũng như tạo điều kiện giữ trẻ ngoài giờ và ngày thứ 7 để công nhân an tâm sản xuất”, chị Mỹ Linh đề xuất.
Cùng ý kiến trên, chị Bùi Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng về nơi gửi con: “Hầu hết các trường công chỉ giữ trẻ trong giờ hành chính, trong khi công nhân phải thường xuyên tăng ca. Chính vì vậy phần lớn công nhân phải gửi con tại các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ gia đình. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, lạm dụng trẻ khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng khi phải gửi con ở bên ngoài. Tôi mong các cơ quan chức năng cần điều chỉnh thời gian giữ trẻ phù hợp để việc gửi con của công nhân được thuận tiện hơn”.
Ngoài nỗi lo về nơi giữ trẻ, nữ công nhân cũng bày tỏ tâm tư về mức tiền lương tối thiểu hiện nay không đủ sống, do đó phần lớn công nhân phải làm tăng ca. Chính vì vậy nhiều nữ công nhân không có thời gian chăm sóc con cái hay nghĩ đến vui chơi giải trí.
Chị Phan Thị Minh Thu, công nhân Công ty TNHH Nikkiso (KCX Tân Thuận) chia sẻ: thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 12 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà 2,3 triệu đồng, tiền gửi 2 con nhỏ 4,5 triệu đồng, tiền sữa, tã lót cho con 1 triệu đồng, tổng các chi phí cơ bản ấy đã hết 7,8 triệu đồng, chưa kể đến chi phí phát sinh đột xuất khi con bị bệnh. Với đồng lương ít ỏi kiếm được vợ chồng chị phải chắt chiu lắm mới bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của gia đình và hoàn toàn không có khoản dư để tích lũy. “Với thu nhập hiện nay, vợ chồng tôi không có đủ điều kiện để chăm sóc 2 con một cách tốt nhất. Chúng tôi luôn lẩn quẩn trong vòng quay đi làm, tăng ca, thời gian dành cho con đôi khi còn thiếu chứ nói gì đến vui chơi giải trí hay học tập để có kỹ năng, phương pháp nuôi dạy con tốt hơn”, chị Minh Thu chia sẻ.
Ngoài ra, tại diễn đàn, nữ công nhân cũng nêu ý kiến trong nhiều vấn đề như: đề xuất xây dựng khu vui chơi giải trí miễn phí cho công nhân, xem xét việc tái ký hợp đồng lao động đối với nữ công nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, quy định mức lương đủ sống cũng như giảm giờ làm cho nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết, cho biết cả nước có hơn 300 KCX-KCN với hơn 3 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 63%. Một số ngành như giầy da, dệt may, chế biến thuỷ sản tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 80% thậm chí 90%. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách chăm lo cho lao động, đặc biệt là lao động nữ. Tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn, một số vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động chưa được giải quyết kịp thời. Nhất là vấn đề cần được quan tâm như: Nhà giữ trẻ, nhà ở, thu nhập, nhà văn hóa.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có khoảng 52,6% lao động nữ tại các KCX-KCN có nhu cầu gửi con nhà trẻ, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 19% gia đình công nhân tại các KCX-KCN gửi con vào các cở sở mầm non công lập, phần lớn phải gửi tại các nhà trẻ tư nhân hoặc các nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục. Trong khi đó các cơ sở này chủ yếu tận dụng nhà dân để giữ trẻ, chưa đảm bảo điều kiện cơ bản về chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của ngành giáo dục, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Hiện TPHCM có khoảng 1.326 trường mầm non. Riêng tại các KCX-KCN có 18 trường, chủ yếu phục vụ con công nhân. Số trường có tổ chức giữ trẻ ngoài giờ (từ 16 giờ 30 đến 18 giờ và thứ 7 hàng tuần chỉ có 7 trường với tổng số trẻ được gửi là 523 trẻ (đạt tỷ lệ 10,91%).
Theo LĐLĐ TPHCM, nguyên nhân chủ yếu hạn chế công nhân gửi con tại các trường công lập là do thời gian giữ trẻ chênh lệch với thời gian làm việc của cha mẹ. Trong khi công nhân tan ca lúc 17 giờ 30 phút hoặc tăng ca đến 20 giờ và phải làm việc ngày thứ 7 thì các trường chỉ giữ trẻ trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Chính sự khác biệt này khiến đại bộ phận công nhân phải chọn phương án gửi con tại các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát, gửi về quê nhờ ông bà chăm giúp. Nhiều nữ công nhân sau thời gian nghỉ thai sản phải nghỉ việc ở nhà nuôi con nhỏ vì không tìm được nơi gửi con khiến cuộc sống vốn khó khăn càng thêm chật vật.
Dịp này, Hội LHPN Việt Nam đã trao 30 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) để tiếp sức con công nhân vượt khó, học giỏi tại TPHCM.