Nợ xấu gia tăng
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đặt mục tiêu năm 2021 duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh. Nếu tính toán một cách cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2021 có thể cao hơn 8%.
Mặc dù chưa có số liệu đầy đủ cả năm 2021, nhưng thống kê báo cáo tài chính quý 3-2021 của các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, dư nợ xấu tuyệt đối tại 27 NHTM tính đến hết quý 3 năm 2021 đã tăng lên 111.000 tỷ đồng, cao hơn 26% so với đầu năm. Trong đó, 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng, do doanh nghiệp vay phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Các NHTM Nhà nước cũng có nợ xấu tăng mạnh do chiếm phần lớn tổng tín dụng của toàn ngành.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2021, lên mức 1,1%. Trong đó, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 14 lần, nhóm 5 (nợ khó đòi) tăng 45%.
Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank cũng tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020, lên mức 1,66%, trong đó nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần. Dù có tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, nhưng nợ xấu nhóm 5 của BIDV cũng chiếm tới 76% tổng nợ xấu.
Các NHTM tư nhân có nợ xấu tăng mạnh phải kể đến: LienVietPostBank tăng 10% so với đầu năm 2021, lên gần 2.700 tỷ đồng (tính đến cuối quý 3-2021); Techcombank tăng 41% so với đầu năm 2021, lên 1.820 tỷ đồng; NamABank tăng tới 148,7% so với đầu năm 2021, lên 1.849 tỷ đồng; ACB tăng 53,4%, lên 2.822 tỷ đồng…
Theo Công ty Chứng khoán Agriseco, mặc dù nợ xấu đang hiện hữu nhưng không quá lo ngại vì các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục. Cùng với đó, thị trường bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong thời gian tới. |
Trích lập dự phòng cao
Hiện các NHTM đang thực hiện Thông tư hướng dẫn của NHNN về giảm, hoãn, cơ cấu hỗ trợ doanh nghiệp để không gây tắc nghẽn mạch máu kinh tế. Tức là thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn chưa bộc lộ hết, vì đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, toàn bộ dư nợ được cơ cấu là nợ dưới chuẩn nên khả năng trở thành nợ xấu rất cao.
Lường trước nợ xấu từ nợ tái cơ cấu nên nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ. Việc tăng mạnh trích lập dự phòng đã ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, mặc dù lợi nhuận lũy kế 3 quý đầu năm 2021 của nhiều NHTM báo lãi trên 10.000 tỷ đồng, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3 của các NHTM lại ở mức thấp, thậm chí còn âm so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế trong quý 3 của Vietcombank chỉ tăng 15,2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với các NHTM tư nhân khác. Tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của VietinBank cũng chỉ ở mức 5,4%, còn BIDV có lợi nhuận trước thuế quý 3 thậm chí giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải lợi nhuận tăng thấp, đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro cao hơn mức quy định. Theo lãnh đạo Vietinbank, việc trích lập dự phòng cao không chỉ đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19 mà còn là cơ sở để xử lý các biến cố cho ngân hàng trong năm 2022.
Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, là ngân hàng đầu tiên trích lập dự phòng 100% cho cả dư nợ tái cơ cấu theo quy định của NHNN. Điều này có thể làm ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2021 nhưng sẽ có lợi trong các năm tới. VPBank cũng cho hay, chi phí dự phòng rủi ro quý 3-2021 tăng 28,6% so với cùng kỳ, lên 4.978 tỷ đồng nên đã ăn mòn 65% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý 3-2021 giảm 4,1% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo VPBank, gia tăng trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, việc này là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng bất định đến nền kinh tế.
Đánh giá về tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng, các công ty chứng khoán nhận định, dù nợ xấu có thể gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý 3 có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai, nhưng các khoản nợ tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ trở lại bình thường khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh.
* Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN: Kiểm soát chặt vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro |